Lễ hội THEN KIN PANG - Lai Châu
Đã thành thông lệ, cứ vào mùng 10/3 (Âm lịch) khi những bông bó mạ nở vàng trên núi đồi, những trận mưa đầu mùa lắc rắc rơi gọi mầm măng đắng nhú lên khỏi mặt đất là bà con dân tộc Thái trắng ở Lai Châu lại kéo về xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ, Lai Châu để dự lễ hội Then Kin Pang.
[/center]
Người đến để tạ ơn bà Then thay mặt người trời chữa cho khỏi bệnh, người cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường yên vui.
Bàn thờ Then để trong nhà văn hóa xã hôm ấy trang hoàng thật đẹp với đủ các loại hoa: Màu vàng của bó mạ, màu trắng của bó sim, đỏ của hoa giấy, rồi những quả còn với những cái tua sặc sỡ, hình những con chim én biểu tượng cho mùa xuân về sau mùa đông đi tránh rét. Lễ vật dâng lên cúng Then gồm lợn cắp nách luộc cả con, 2 con gà trống luộc, trứng gà, xôi nếp cẩm, bạc trắng... Bà Then (Me Then) ngồi trên bục cao trước bàn thờ trong trang phục váy áo đen hoa xanh thẫm với những dải nhũ vàng lấp lánh, cái mũ miện hình thang với những dải vàng, dải đỏ phủ dài xuống áo, tay cầm đàn tính hát Khay Pang cúng then và mời bà con chơi hội.
[center]
Hai bên bà Then là 3 người giúp việc (Me Đa) có nhiệm vụ lĩnh xướng. 8 cô Sao Chàu (gái hát chầu, chưa có chồng) lúc ngồi chầu quay theo tiếng nhạc, khi đứng lên múa và hát diễn tả lại lời của bà Then, khiến cho buổi lễ vừa trang trọng uy nghiêm, lại vừa vui tươi, hấp dẫn.
Truyền thuyết dân tộc Thái trắng kể lại rằng: Sau Vua Trời là Then, các vị Then đều có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu con người. Bởi vậy mà Vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới để cứu giúp con người. Dân bản trên mường dưới hễ đau ốm thì được Then cho thuốc, nhà nào gặp rủi ro vận hạn đến gặp Then sẽ được cầu phúc cho tai qua nạn khỏi. Bởi vậy nên cứ đến mùng 10/3 hàng năm là những người này lại đến tổ chức lễ tạ ơn Then, người khác đến cầu phúc xin cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bản mường bình yên no ấm. Dân bản khắp vùng cũng kéo đến dự lễ, tổ chức các cuộc thi múa hát dân ca; thi ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, bơi lội, té nước; thi nấu ăn... mà thành lễ hội Then Kin Pang (nghĩa là ngày hội ăn mừng tạ ơn Then).
Cụ Vàng Thị Hớn, 76 tuổi đã từng là bà Then của những năm trước, giờ tuổi đã cao nên truyền lại cho con gái là bà Mào Thị Chỏn. Cụ kể lại, lễ hội Then Kin Pang đã được phục dựng lại từ năm 2003 rồi liên tục tổ chức cho đến nay. Buổi lễ để mời Then xuống nhận lễ tạ, cầu Vua Trời ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt chứ không phải cúng ma gọi quỉ gì cả. Bà Then là người có uy tín, biết làm các thủ tục lễ nghi, lại biết làm thuốc cứu giúp dân bản và được cộng đồng dân tộc bầu ra. Trước đây mỗi vùng có cộng đồng dân tộc Thái trắng sinh sống đều có một ông hoặc bà Then. Giờ do thất truyền nên có lẽ cả các vùng trong khu vực chỉ còn bà Then ở đất Khổng Lào.
Trong khi tổ chức làm lễ, thì ngoài sân dân các bản mường đến dự đang náo nức chơi hội. Trên sân khấu, các đoàn dự thi múa, thi hát dân ca, thi đàn tính để chọn ra những gương mặt sáng giá nhất còn lưu giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình thì ở dưới sân, dưới bãi từng nhóm đông người đang hò reo cổ vũ cho các vận động viên ném còn, đẩy gậy, kéo co, tó má lẹ... Chiều lên nắng ấm, hàng ngìn con người lại tụ tập bên dòng suối Nậm So, cổ vũ cho các đội thi bơi lội, thi té nước. Những cô gái xúng xính, e ấp trong trang phục áo cóm, váy lụa đen giờ chẳng còn ngại ngần cũng ào xuống suối bơi dọc, bơi ngang để giành vinh quang cho bản mình.
Gay cấn nhất là phần thi té nước: Mỗi đội gồm cả nam thanh nữ tú, lội tới ngang thắt lưng, mặt đối mặt cách nhau hơn sải tay, vục lấy từng vụm nước lớn hắt thẳng vào mặt nhau để xem ai phải bỏ chạy trước. Khi mặt trời sắp lặn cũng là lúc tới phần thi cuối cùng của lễ hội: Ẩm thực. Không biết từ lúc nào, các mâm cỗ thi bốc hơi nghi ngút đã được bày ra tại phòng thi. Món ăn đủ các loại trên rừng dưới suối, nào là rau dớn lam cá, măng đắng luộc cả cây, món giá ủ từ hạt lạc mầm to bằng đầu đũa, cá bống suối gói lá dong vùi tro, xôi ba màu nhuộm bằng lá rừng, canh rêu đá. Độc đáo nhất có lẽ chưa ở đâu có là các món ve sầu, dế mèn, bọ xít rang vàng ruộm tỏa mùi thơm điếc cả mũi, có đoàn bày ra tới 16 món ăn khiến có người xem cầm lòng không được mà thò tay... bốc trộm nếm thử rồi cười rất thú vị.
Lễ hội Then Kin Pang giờ chỉ còn lại ở mảnh đất Khổng Lào, cái rốn văn hóa của đồng bào Thái Lai Châu. Đây là một sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh của đồng bào dân tộc Thái trắng, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, khuyến khích du lịch văn hóa, ẩm thực phát triển tại vùng đất gian khó nhất nơi địa đầu Tổ quốc này./.
[i]Nguồn: Thanh Huyền (sưu tầm)[/i]
Đăng nhập để bình luận: