Món nộm của người Việt
Món nộm của Việt Nam qua lời văn của nhà văn Đắc Trung.
Từ sa mạc Ka-ra-kum về thủ đô A-skha-bát, vừa dùng bữa trưa xong, người của chương trình “Văn hóa – Du lịch” thuộc Đài trình hình Tuốc-mê-ni-a gọi tới xin phỏng vấn. Tôi nhận lời và nửa giờ sau đã có mặt trong trường quay. Không đặt câu hỏi trước, cũng chẳng trao đổi chủ đề, vừa bước vào phòng là họ bấm máy ngay. Phiên dịch Na-ta-sa và biên tập viên Lê-vin ngồi cùng tôi bên tách trà đen bốc khói, Lê-vin hỏi tôi:
– Bạn có thể giới thiệu về món ăn của Việt Nam?
Biết tôi viết văn mà lại đặt câu hỏi về món ăn. Được, tôi sẽ nói ở góc độ văn hóa ẩm thực – nghĩ thế, tôi thong thả:
– Chúng tôi có khoảng hơn năm trăm món ăn, không thể kể hết được. Tôi chỉ kể một. Đó là món nộm. Món này rất phổ biến, mọi miền đất nước từ Nam ra Bắc; mọi tầng lớp, từ giới thượng lưu đến những người dân lam lũ chốn thôn quê, ai cũng biết, cũng thích; trên bàn tiệc sang trọng của giới thương gia, chính khách cho tới mâm cơm đạm bạc của người nghèo món nộm đều có mặt. Nộm ngang hàng, bình đẳng với đặc sản các món ăn đặc sản cao cấp khác. Nguyên liệu để làm món nộm cũng rất giản dị, gồm: su hào, cà rốt, dưa chuột, khế, ớt, chanh, vừng, lạc, mấy loại rau thơm và gia vị. Đến mỗi vùng đất, nộm lại được làm từ nguyên liệu có sẵn và sự sáng tạo kỳ diệu của người dân địa phương đó, làm cho nộm càng thêm phong phú, đa dạng, như: nộm hoa chuối, ngó sen, bắp cải… Bởi thế nộm không chỉ là món ăn đơn thuần góp phần nuôi sống cơ thể, mà hơn thế, còn là món ăn đặc trưng của người Việt, mang tâm hồn Việt đầy sức sống trường tồn và sáng tạo.
Hương vị của món nộm cũng rất đặc biệt. Có đầy đủ ngọt, bùi, chua, chát, đắng, cay. Người Việt Nam vốn trọng đạo lý. Ca dao có câu:
[center][i]“Rủ nhau xuống bể mò cua,
Mang về nấu quả mơ chua trên rừng.
Em ơi chua ngọt đã từng,
Non xanh nước biếc ta đừng quên nhau”.[/i][/center]
Một cặp vợ chồng đã cùng nhau gắn bó vượt qua mọi gian lao, từng trải mọi ngọt, bùi, chua chắt, đắng, cay ở đời thì tình yêu, tình thương sẽ vô cùng sâu sắc, không một khó khăn nào, không sự cám dỗ nào có thể làm tổn hại được. Bởi thế món nộm cũng chính là bài học giáo dục về lòng chung thủy, tình yêu thương con người. Đồng thời cổ vũ ý chí, bản lĩnh bất chấp mọi thư thách trong cuộc sống.
Lê-vin nghe chăm chú và tâm đắc. Lát sau anh hỏi tiếp:
– Bạn cho biết về cách ăn của người Việt Nam?
– Người Việt Nam ăn bằng đũa là mô phỏng cách ăn của loài chim. Mà như bạn biết, khát vọng của chim là bầu trời tự do. Một đặc điểm khác trong cách ăn của người Việt Nam là tất cả các món đều được bày trên bàn, hoặc trên mâm. Ai muốn ăn gì tự gắp, thích mặn hay nhạt, cay hay chua tự chế biến, không hoàn toàn bị lệ thuộc vào đầu bếp hoặc người phục vụ. Nghĩa là khá tự do. Tư tưởng ấy cũng được thể hiện ngay trong cách ăn. Người Việt Nam chúng tôi rất hiếu thảo, thích nhường nhịn và giàu lòng hy sinh. Khi ăn trước hết thường dùng đũa gắp món ngon mời ông bà, cha mẹ, mời khách quý, dành cho con, cho cháu, sau đó mới đến lượt mình.
Từ món ăn, đến cách ăn của người Việt đều mang khát vọng tự do và đạo lý làm người.
Lê-vin không hỏi thêm, đứng dậy ôm tôi rất chặt, giọng đầy cảm xúc, anh nói mấy từ tiếng Việt:
– Việt Nam! Việt Nam! Tôi yêu Việt Nam.
Một số món nộm đặc trưng của người Việt ba miền:
[center]
[/center]
[center][i]Nộm bò khô[/i][/center]
[center]
[/center]
[center][i]Nộm gà xé phay[/i][/center]
[center]
[/center]
[center][i]Nộm măng chua[/i][/center]
[center]
[/center]
[center][i]Nộm hoa chuối chát tai lợn[/i][/center]
[center]
[/center]
[center][i]Nộm giá đỗ[/i][/center]
[center]
[/center]
[center][i]Nộm rau muống thịt bò[/i][/center]
[center]
[/center]
[center][i]Nộm sứa[/i][/center]
[center]
[/center]
[center][i]Nộm miến hải sản[/i][/center]
[i]Nguồn: Sưu tầm[/i]
Đăng nhập để bình luận: