Những đặc sản Đắk Lắk ngon không thể cưỡng
Không chỉ sở hữu nhiều cảnh đẹp hùng vĩ cùng nền văn hoá đậm chất của núi rừng, Đắc Lắc còn là cái nôi của nhiều món đặc sản bình dị nhưng rất được du khách thập phương yêu thích.
Đắc Lắc nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung không chỉ hấp dẫn du khách bởi cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ mà còn bởi những món đặc sản dân tộc độc đáo làm say lòng du khách.
1. Gà nướng Bản Đôn
Để có những con gà nướng ngon, hợp lòng du khách, người dân Bản Đôn phải rất công phu nuôi chọn gà và có cách làm món riêng. Trước hết, giống gà phải là gà thả vườn chính hiệu. Đất ở Bản Đôn rộng, vườn thưa, gà nuôi ở đây được thả rông tự do, thức ăn chính của chúng là cỏ non, côn trùng và lúa rẫy.
[center] [/center]
Gà được chọn nướng là loại mới lớn, độ chừng hơn một kg mỗi con. Sau khi làm xong, gà để nguyên con, có thể dần cho con gà bẹp lại rồi ướp muối ớt, nước sả và thêm ít mật ong rừng. Để ăn gà nướng ở Bản Đôn “đúng bài”, du khách phải chấm thịt gà với muối ớt hoặc muối sả.
2. Cá bống thác kho riềng
Món cá bống thác kho riềng là một món ăn có tính truyền thống của những đồng bào dân tộc tại Đắk Lắk. Cá bống Tây Nguyên sống ngay trong dòng thác đổ. Loại cá này chỉ thích nghi với môi trường nước đổ từ cao xuống, mình bé và trắng, thân tròn săn chắc như ngón tay.
Cá còn tươi nhảy lao xao được xả cho sạch nhớt trên mình, và bỏ vào ít muối ướp cho cứng lại, sau đó lấy riềng rửa sạch giã nhỏ. Người ta bắc chảo cho nóng, và cho vào đó ít dầu ăn, hay mỡ đun cho sôi lên, cho cá vào chiên vàng, đổ riềng đã chuẩn bị sẵn. Mùi riềng, mùi cá bốc lên thơm ngào ngạt, đợi riềng và cá quyện vào nhau, lúc này họ mới cho mắm muối và các gia vị: hành, tiêu, ớt, đường và bột ngọt tạo độ vừa ăn. Du lịch Đắk Lắk mà quên thưởng thức món cá bống thác kho riềng quả là một thiếu sót lớn đối với du khách.
3. Lẩu rau rừng
Gọi là lẩu song lẩu rau rừng giống món canh hơn, với 10 loại lá rừng được chọn lọc nấu cùng tôm khô hoặc thịt các loại. Món “lẩu” rau rừng này được chế biến đầu tiên bởi những người dân tộc Ê đê khi phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Để có thức ăn hàng ngày, họ đã vào rừng để hái những loại lá khác nhau về nấu canh. Trải qua thời gian, “lẩu” lá rừng đã trở thành món đặc sản của người dân tộc bản địa và rất có sức hút với du khách.
4. Thịt nai
Thịt nai là món đặc sản chủ yếu của vùng rừng núi Tây Nguyên, đặc biệt là ở Đắk Lắk. Thịt nai tươi khác thịt bò ở chỗ ít gân, mỡ màu trắng ngà, mềm hơn cả thịt bê non.
Thịt nai có thể chế biến thành nhiều món: nai nướng, nai xào lăn, nai nhúng giấm, nai lúc lắc, sườn nai rán, cháo bao tử và sau cùng là nai khô hợp lại đủ 7 món như thịt bò. Nhưng nai nướng, nai nhúng giấm và nai khô lại là những món tiêu biểu nhất.
5. Lẩu cá lăng
Dòng Sêrêpôk hoang dã, bí ẩn và mãnh liệt đã được thiên nhiên ban tặng cho một loại cá quý đó là cá lăng rắn chắc, thịt thơm và là món ngon nổi tiếng. Cá Lăng có thể chế biến thành nhiều món, tuy nhiên ấn tượng nhất vẫn là món lẩu cá lăng với hương vị độc đáo mang đậm chất Tây Nguyên. Đây là món ăn ngon miệng và có tác dụng giải nhiệt rất tốt trong những ngày nắng.
6. Bơ sáp Đắc Lắc
Bơ Đắc Lắc dẻo quánh, ăn vào thấy béo thơm đặc trưng không loại bơ nào khác có được nên nhiều khách hàng ưa chuộng. Món phổ biến nhất mà mọi người, mọi nhà thường làm là sinh tố bơ. Chút sữa, chút đường, chút đá vừa làm dậy vị vừa tăng sự hấp dẫn cho món ăn.
Ngoài ra, nếu có vài trái bơ sáp Đắc Lắc, bạn hãy thử dằm bơ đường rồi ăn chung với bánh tráng (bánh đa) xem nhé, đảm bảo sẽ bất ngờ. Bánh đa giòn giòn, bùi bùi thoang thoảng mùi mè (vừng) hòa lẫn với độ ngọt béo lại man mát vừa phải rất khác lạ. Hoặc nếu không, hãy cắt bơ thành từng miếng vừa ăn dọn chung với cơm. Nghe thì hơi “quái” nhưng ăn 1, 2 lần lại thành nghiền. Cứ một miếng cơm dẻo với 1 miếng bơ chấm mắm nguyên chất dễ vét thủng đáy nồi lúc nào không hay.
7. Măng le
Cây le thuộc họ tre nứa khá điển hình trên vùng đất Tây Nguyên. Cây le có sức phát tán mạnh mẽ, sức sống dẻo dai đến kỳ lạ. Măng le từ phần ngọn của cây măng dùng tươi hoặc cắt lát phơi khô , măng le thuộc loại ngon nhất trong các loài măng như măng tre, măng trúc… nhờ tính đặc ruột, vị ngọt, bùi, không đắng chát,…
Với món măng le tươi có thể chế biến món đơn giản nhưng lại đầy hương vị là món gỏi măng trộn hay măng le nấu cùng thịt vịt, măng le hầm giò heo, măng le xào gan đều rất ngon. Vào các buôn được mời bữa cơm gạo nương ăn với măng le nấu với thịt nai khô có kèm muối đâm lá bép ớt hiếm ăn một lần không bao giờ quên.
8. Cơm lam
Cơm lam là món ăn nổi tiếng của người đồng bào ở bản Đôn. Cơm lam được coi là món ăn đặc trưng nhất của núi rừng bởi chắt lọc từ vị ngọt của dòng suối mát trong và hương thơm của tre nứa xanh ngút đầu non. Món ăn này được hình thành từ những chuyến đi làm rẫy, đi rừng dài ngày của người đàn ông Tây Nguyên khi xưa.
Khi thưởng thức chỉ cần bóc bỏ lớp nứa bên ngoài, cắt khúc và bạn đã có món cơm lam dẻo, thơm hấp dẫn. Người Tây Nguyên thường dùng cơm lam với muối vừng, thịt gà hoặc thịt lợn rừng nướng. Nước suối trong vắt của núi rừng cùng với vị ngọt của ống nứa nơi đầu non đầu non đã tạo nên món cơm lam có hương vị đặc biệt, làm say lòng bất cứ ai nếu đã từng thưởng thức.
9. Rượu cần
Uống rượu cần là thói quen lâu đời của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Rượu cần là một thức uống không thể thiếu được trong các lễ hội cũng như dùng để tiếp đãi khách quý.Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết, thương yêu không có chuyện chén chú, chén anh, chén ông, chén bác… Mọi người cùng uống với nhau chung cần, trẻ, già, trai, gái nhâm nhi.
Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm nước rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt chặt miệng ché độ năm, sáu hôm sau là dùng được. Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ độ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì, v.v… thì cũng làm theo cách trên. Cần uống thường làm bằng cây trúc hay cây triêng. Cuốn cây triêng thường dài cả mét, chặt đem về phơi khô, rút lõi bỏ đi, dùng làm cần rượu thì tuyệt!
10. Cà đắng
Cà đắng là một loại cà dại mọc nhiều trên rừng, trên nương rẫy, hiện nay đã được người dân khu vực Tây Nguyên trồng trong vườn nhà, ra quả quanh năm, trái cà dài, to hơn cà pháo của người Kinh có gai, màu xanh sọc đốm trắng, đặc biệt có vị đắng rất đặc trưng.
Cà đắng được chế biến thành nhiều món ăn khác nhau trong bữa cơm của người dân tộc Ê Đê như nấu với cá tươi, cá khô, tép khô, thịt rừng,… Ngoài nấu chín, người Ê Đê còn ăn cà đắng sống, bằng cách giã nát cà rồi cho thêm gia vị: muối, ớt, bột ngọt, lá é, lá và củ nén.
Đăng nhập để bình luận: