Một số món ăn chung 3 miền Bắc Trung Nam (P2)
[blue]Chạo tôm[/blue]
[center]
[/center]
Tôm mua về lột sạch vỏ, rút chỉ đen trên lưng, chà muối, rửa sạch, ngâm trong nước dừa xiêm. Rồi vớt ra để ráo và chuẩn bị chế biến. Ðây chính là khâu quan trọng nhất, quyết định cây chạo tôm có giòn hay không. Nếu cho vào máy xay, tôm sẽ rất nhuyễn nhưng không còn giòn nữa. Chỉ có quết bằng cối đá thì thịt tôm mới trở nên dẻo quánh và quyện thành một khối trắng hồng. Nhờ vị thơm của tỏi, vị mặn của muối, cay của tiêu, tôm có một mùi riêng rất hấp dẫn.
Mỡ thịt (mà phải là mỡ ngon), được xắt hột lựu rồi ướp sơ với đường đem hong gió, vài phút sau trở nên trong vắt, đem trộn vào tôm với một chút mắm ngon. Mía lau được gọt vỏ, vót cho tròn cạnh như cây đũa bếp, tôm được chia đều bằng với số mía lau và ém đều khắp cây mía chỉ chừa hai đầu để cầm nướng.
Lò than cháy hồng liếm nhẹ vào cây chạo tôm, thịt mỡ sôi xèo xèo, bốc lên mùi thơm nức mũi, không thể lẫn vào đâu được. Chất ngọt của mía và tôm đã tạo thành một vị ngọt thanh.
Nói đến chạo tôm mà không nhắc đến nước chấm là một điều thiếu sót rất lớn. Có lẽ không một món ăn nào mà nước chấm lại cần chế biến cầu kỳ đến vậy. Gan heo băm nhuyễn, chè đậu trắng tán nhuyễn, me chín dằm nát, tương ngọt trộn đều với một ít nước lèo, tất cả được đun sôi rồi rắc đậu phộng rang giã nát, điểm thêm một chút tỏi, ớt. Vậy là món chạo tôm đã sẵn sàng chờ các bạn thưởng thức!.
Món chạo tôm hấp dẫn hơn với màu xanh của rau sống và khế, màu đỏ của ớt chín, màu trắng của chuối chát, màu vàng của đậu phộng. Cắn một miếng chạo tôm nghe đủ vị chua, cay, mặn, ngọt, béo, bùi.
[blue]Bún[/blue]
[center]
[/center]
Bún ở Việt Nam vừa là món ăn sang trọng vừa là món ăn bình dân.
Bún có nhiều tên gọi khác nhau, dường như theo cách tạo hình: bún rối, bún mắm, bún lá (còn gọi là bún đếm trăm)... Có nhiều món để ăn cùng với bún: ăn với thịt nướng gọi là bún chả; với nem rán gọi là bún nem; với ốc gọi là bún ốc; với trứng tráng, giò lụa, thịt gà... gọi là bún thang; với riêu cua đồng gọi là bún riêu; với thịt chân giò lợn, giò sống làm mọc gọi là bún mọc; với thịt bò giò heo gọi là bún bò giò heo...
Mỗi miền, mỗi vùng dân cư thậm chí mỗi nhà hàng lại có món bún khác nhau: về thành phần thực phẩm, cách chế biến, chủng loại gia vị... bí quyết nhà nghề để có tên gọi riêng, cách ăn riêng, hương vị riêng rất đặc trưng của xứ sở.
[blue] Bánh trôi, bánh chay[/blue]
[center]
[/center]
Người Việt Nam không ai lại không biết đến bánh trôi, bánh chay. Hàng năm cứ đến ngày mồng 3 tháng 3 âm lịch, hầu hết các gia đình đều đặt lên bàn thờ đĩa bánh trôi, bánh chay thắp hương. Nhiều người cho rằng tục lệ ăn bánh trôi, bánh chay là theo phong tục Việt Nam mừng gạo mới sau vụ gặt vào tháng 3 theo nông lịch, đặc biệt là các gia đình ở vùng đồng bằng Bắc Bộ.
Có lẽ bởi ai cũng muốn thưởng thức hương thơm, vị ngọt của những hạt gạo, mới làm bánh trôi, bánh chay - loại bánh mà nguyên liệu dùng để làm là bột gạo. Cách làm bánh trôi, bánh chay rất đơn giản.Trước hết mua gạo nếp ngon ngâm trong nước khoảng 4-5 tiếng, rồi xay thành bột nước. Bột có thể xay lấy ở nhà hoặc mang tới những cửa hàng chuyên xay bột. Tiếp đến bọc bột nước vào vải để dóc nước đến độ nặn được. Bánh trôi nặn hình tròn to bằng quả táo ta, còn bánh chay cũng hình tròn nhưng dẹt như cái đĩa con, đường kính lớn hơn bánh trôi một chút. Nhân bánh trôi làm từ đường phèn-một loại đường đỏ chế từ cây mía, nhân bánh chay là đỗ xanh đồ chín trộn với đường cho có vị ngọt. Thả bánh vào nồi nước đun sôi cho tới khi bánh nổi lên chìm xuống vài lần là được. Người ta thường bày khoảng 10-15 viên bánh trôi trên một đĩa nhỏ, còn bánh chay thì bày vào bát ăn cơm cùng với bột sắn quấy chín. Trước khi bày bàn, trên đĩa bánh trôi và bán bánh chay, người ta rắc lên đó một ít vừng trắng đã được rang vừa độ chín, thơm tạo cho bánh trôi, bánh chay một hương vị đồng quê gần gũi, thơm ngon, tạo nên màu sắc hấp dẫn, nhìn đã thấy ngon. Đến mùa nắng nóng các quầy bánh trôi, bánh chay lại xuất hiện nhiều hơn. Thưởng thức đồ ăn nguội này cho ta cảm giác mát mẻ, dễ chịu trong cái nắng ngột ngạt của mùa hè.
[blue]Bánh khúc[/blue]
[center]
[/center]
Vào những ngày đầu năm, tiết trời ấm áp, trên những thửa ruộng tạm bỏ hoang mọc đầy cây tầm khúc. Lá nhỏ, thân gầy có mầu trắng ***c, pha chút xanh lục nên gọi là tầm khúc trắng hay tầm khúc tuyết. Loại cây dại này lại có thể chế biến thành thứ bánh rất hấp dẫn.
Rau khúc hái về rửa sạch đem vào luộc. Rút hết cọng cây già (bỏ xương), sau đó cho vào cối giã nhuyễn. Mẻ rau khúc lúc này khi quết, dẻo quánh, mầu xanh đậm đen và có mùi đặc trưng quyến rũ, được đem trộn lẫn với bột gạo. Những chiếc bánh thường nặn thành hình mặt trăng, trong có nhân là thịt băm, hành mỡ xào. Có nhà làm nhân bằng sườn. Sau đó những chiếc bánh được lăn một lớp gạo nếp đã được ngâm kỹ, thường gọi là áo bánh. Sau khi đồ xong, như đồ xôi, bánh bốc mùi thơm của nếp hoa vàng quyện với mùi nhân hành mỡ, thịt… Cũng có nhà không đi lấy được rau thì dùng rau diếp luộc lên trộn lẫn với bột làm bánh. Nhưng không dễ gì đánh lừa được người sành ăn. Bánh khúc là loại bánh bột nếp độn rau tầm khúc, nhưng dẻo quánh, để hai ngày vẫn mềm. Bánh có mùi thơm không thể lẫn với bất kỳ một loại rau nào độn vào.
Nguồn: Sưu tầm
Đăng nhập để bình luận: