Hướng dẫn cách làm cho hoa mai nở đúng dịp Tết Nguyên Đán
Trồng cây mai nhứt định là Tết phải có hoa, vì cây mai mỗi năm chỉ ra hoa rộ có một lần, vào mùa Xuân mà thôi. Người trồng mai phải chăm sócnhư thế nào để cây mai ra hoa đúng Tết Nguyên Đán, để trang trí làm đẹp ngôi nhà, để hưởng một mùa xuân tươi vui hạnh phúc với lòng mong ước một năm mới được nhiều may mắn!
1- Tết là phải có mai!
Đến Tết mà mai không có hoa là vô dụng, uổng phí công chăm sóc cả năm trời. Nhất là năm nay là năm nhuần, kéo dài đến 13 tháng, đến nay đa số cây mai đều có tán lá gần già, mà hễ khi già rụng lá là cây mai ra hoa sớm hơn Tết.
Vào tháng 5 âm lịch, nên trảy lá cây mai, nếu có ra một ít hoa để trang trí chơi giữa năm cũng tốt. Kế đến mùa mưa là mùa tăng trưởng, bón thêm phân chuồng hoai và phân bón hóa học NPK 30-10-10, cây mai ra thêm chồi lá mập mạp xanh tươi. Đến tháng 6 tháng 7 âm lịch, nên bón thúc thêm phân DAP cho lá mau già và để kích thích ra nụ hoa. Tiếp tục chăm sóc tưới nước đều cho cây mai, đến gần tháng 12 âm lịch, quan sát cho thật kỹ nụ mai lớn nhỏ cỡ nào là quan trọng và chuẩn bị lo trẩy lá. Có 3 trường hợp:
Thứ nhất là: lá mai còn xanh, nụ mai còn nhỏ; Năm nay là năm nhuần, nên trường hợp này ít có, chỉ có đối với cây mai đã được trẩy lá trước vào giữa năm mà thôi. Nếu nụ mai còn nhỏ quá thì nên tưới thúc thêm phân hóa học NPK loại 15-30-15, hoặc NPK 6-30-30, để kích thích ra hoa, pha gới 10 gr với 8 lít nước, mỗi tuần tưới 1 lần, đều hết từ ngọn đến rễ.
[center][/center]
Thứ hai là: lá mai đã vàng, nụ mai khá to, thì có thể ra hoa sớm; Trường hợp này phải tưới thêm phân bón lá, loại NPK 30-10-10, pha 1 gói 10 gr cho 8 lít nước, mỗi tuần tưới 1 lần, để dưỡng cho lá mai xanh tươi trở lại, không cho lá mai rụng sớm, nhằm giữ hoa không cho nở sớm.
Thứ ba là: lá mai đã già, nhưng vẫn còn hơi xanh, nụ hoa lớn vừa, là lý tưởng, chỉ cần tưới nước bình thường sáng sớm và chiều mát, giữ cho lá mai đừng vàng úa rụng sớm, đợi đến cỡ ngày 15 tháng chạp, là trảy lá, chớ không nên tưới thúc phân gì cả.
2. Ngày trảy lá mai:
Gần đến ngày rằm tháng chạp, quan sát lá mai và nụ mai lại một lần nữa:
Thứ nhất, thấy lá mai đã già, nhưng nụ mai còn hơi nhỏ, có thể sẽ nở trễ hơn Tết, nên trảy lá sớm cỡ từ ngày 10 đến 12 tháng chạp, nghỉ tưới nước một ngày cho khô nhựa, rồi tưới thúc thêm phân NPK loại kích thích ra hoa mạnh như 10-55-10; Cũng pha 10 gr cho 8 lít nước, khoảng 5 ngày tưới 1 lần, rồi tiếp tục tưới nước lại bình thường, đến cỡ ngày 23 tháng chạp thấy nụ hoa bung vỏ lụa là hoa sẽ nở đúng Tết, nên đổi qua tưới loại phân NPK 6-30-30 để giữ cho hoa to đẹp và lâu tàn.
Thứ hai, thấy lá mai hơi vàng, nụ mai to vừa, là rất đúng. Trường hợp này nên trảy lá mai vào ngày rằm tháng chạp, cũng ngưng tưới nước một ngày, rồi tiếp tục tưới nước lại bình thường, mỗi ngày một lần vào sáng sớm hoặc chiều mát, đến ngày 23 tháng chạp khi thấy nụ mai bung vỏ lụa rồi, là hoa mai sẽ nở đúng Tết. Cũng có thể tưới thêm phân hóa học NPK 6-30-30 như trên cho hoa.
Thứ ba, thấy lá mai vàng úa sắp rơi rụng, nụ mai đã khá to, có thể hoa mai sẽ nở sớm hơn Tết. Trường hợp này nên trảy lá trễ, đợi đến cỡ ngày 20 tháng chạp hãy trảy lá, cũng ngưng tưới nước một ngày, rồi tưới thêm phân NPK loại 5-0-2, hoặc ure loãng, pha 1 muỗng cà phê cho 8 lít nước, 5 ngày tưới một lần, để kích thích cho cây mai ra lá non, đồng thời cũng hãm cho hoa nở trễ. Bây giờ cũng phải canh tưới nước làm sao cho đến ngày 23 tháng chạp, ngày đưa ông Táo về trời, mà nụ mai nở đầy cành và luân phiên nở suốt cả tuần lễ mới hết. Nếu thấy cây mai có lá non nhiều quá thì nên lấy kéo nhỏ cắt tỉa bỏ bớt.
3. Trường hợp đặc biệt
Thứ nhất là thúc cho hoa mai nở sớm, nghĩa là đến ngày 23 tháng Chạp mà nụ mai sẽ nở trễ hơn Tết. Theo nguyên tắc: nóng thì hoa nở sớm, nên phải đem cây mai ra để ngoài nắng, không tưới nước vào sáng sớm và chiều mát nữa, mà phải tưới nước vào giữa trưa, hoặc tưới nước ấm cỡ 30-40oC. Tối có thể thắp thêm một bóng đèn tròn treo cách xa để sưởi ấm. Thúc cho cây mai nở hoa sớm thì rất dễ, đến gần Tết có thể phun thêm một lần thuốc rầy, như Methyl Parathion, hay Monitor là hoa mai, sẽ nở ngay.
Thứ hai là hãm cho hoa mai nở trễ, nghĩa là chưa đến ngày 23 tháng chạp, mà nụ mai đã bung vỏ lụa trấu rồi, thì hoa mai sẽ nở sớm hơn Tết. Theo nguyên tắc: lạnh thì hoa nở chậm, muốn hãm cho hoa mai nở chậm lại, thì phải đem cây mai vô để nơi râm mát, tưới thêm phân bón lá 30-10-10 hoặc 5-0-2 và phân lạnh như phân urê pha loãng, để hãm cho hoa mai nở trễ, cũng có thể lấy vải đen bao trùm cây mai lại. Nhưng thực tế, muốn làm cho cây mai ra hoa chậm lại là rất khó, còn tùy theo môi trường nơi trồng cây mai có mát mẻ hay không nữa.
Trên đây là kinh nghiệm của bản thân tôi, sau nhiều năm trồng và bán mai Tết, xin giới thiệu để các bạn tham khảo, canh ngày trảy lá mai, và chăm sóc cây mai để ra hoa đúng Tết.
Đăng nhập để bình luận: