Vì sao gọi Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu

Ngày đăng: 25/12/2014
Cây rau má và câu nói Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu.
Người ta hay gọi chúng tôi là “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”. Mặc định Cây rau má được gắn mác cho người Xứ Thanh.

Nếu như Xứ Nghệ người ta hay gọi là dân cá gỗ, Xứ Thanh – Thanh Hóa chúng tôi thì được “ưu ái, mến thương” đặt cho biệt danh (hay gọi là biểu tượng cũng được) “dân rau má”. Cây rau má có lẽ mọi công dân Việt Nam, trên mọi miền tổ quốc ai cũng biết. Thế giới thì tôi không dám chắc (trình độ tôi có hạn). Nếu không biết cây rau má có lẽ bạn không phải người Việt Nam( đùa thôi ). Cũng chính vì thế mà Thanh Hóa chúng tôi cũng được thơm lây, ai cũng biết.

Đi đâu, làm gì ai có hỏi anh,em… quê ở đâu ? Trả lời ngay và luôn :

– “dạ, anh (em) quê Thanh Hóa“.

Thế là người đối diện, mắt chữ “O”, mồm chữ “B” :

– À, dân rau má.

Thế đấy, nổi tiếng thế đấy, dân rau má mà.

Dù muốn hay không, người Thanh Hóa mặc định được gắn mác là dân rau má. Nhiều vùng miền, tỉnh thành được gắn với một biệt danh nào đó chứ chả riêng vùng đất chúng tôi. Vấn đề chả có gì nghiêm trọng nếu người ta gọi biệt danh đó với sự vô tư, thoải mái. Có nhiều người gọi với một ý nghĩa sâu xa đến khó chịu. Nói thẳng toẹt ra là sự kì thị, coi thường. Ừ thì cứ cho là: “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”, hay ” Ước mơ lớn nhất của người Thanh Hóa là lá rau má to bằng cái lá sen” đi. Vậy khi nói những câu nói trên, chưa chắc người ta đã hiểu rõ nguồn gốc, gốc tích của câu nói này. Nhiều người Thanh Hóa cảm thấy tự ti khi giới thiệu về quê hương mình. Bản thân nhiều người không thoải mái lắm khi nghe người khác gọi mình như vậy. Tuy nhiên cũng không ít người cảm thấy hài hước khi bị gọi là “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu”.

Vì sao vậy? Chính nhiều người Thanh Hóa chưa chắc biết tại sao lại có câu nói đó, thế hệ ông cha thì tôi không dám chắc, chứ thế hệ chúng tôi thì chả thấy tài liệu chính thống nào giải thích ý nghĩa câu nói đó. Nếu có thì cũng là nghe kể về một vài sự tích, một vài câu chuyện theo kiểu truyền miệng mà thôi. Không có sách báo, tài liệu nào khẳng định. Nhưng chúng ta hãy cùng xem các câu chuyện, sự tích đó là gì nha.

Câu chuyện thứ nhất, nổi tiếng nhất đó là ngày xưa khi Pháp đã hoàn toàn chiếm được nước ta chúng bắt đầu đi vào khai thác, vơ vét sản vật của nước ta. Để dễ dàng hơn cho việc vận chuyển, chúng cho làm đường sắt. Khi làm đường tàu đến huyện Hoằng Hóa thì người dân nơi đây với sự căm thù giặc sâu sắc, tinh thần đấu tranh với kẻ thù mọi lúc khi có điều kiện đã tổ chức phá hủy đường sắt của giặc. Công việc của thực dân cướp nước cực kỳ khó khăn, làm mãi không xong. Giặc cứ làm còn ta cứ phá. Quan Pháp tức tối triệu quan huyện Hoằng Hóa mà hỏi rằng: Tại sao đường sắt làm đến khu vực này thì làm hoài không xong, sao không ngăn dân chúng phá đường tàu. Quan huyện vốn cũng là một người yêu nước, mới nói rằng: “thưa quan, chúng tôi cũng tìm cách ngăn dân lại đó chứ ạ. Nhưng dân chúng tôi khổ quá không có gì ăn nên phải ăn rau má, mà Cây rau má trên đường tàu vừa nhiều, non và ngon nhất. Dân tôi không cố ý đâu ạ.“. Từ đó câu nói “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu” luôn được gắn liền với dân Thanh Hóa.

Câu chuyện thứ hai là: ” Thời kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là một trong những hậu phương vững chắc của cuộc kháng chiến. Thanh Hóa huy động hàng vạn dân công, bộ đội phục vụ vận tải chiến đấu. Gian khổ phải ăn Cây rau má cầm hơi, phá đường tàu Pháp lấy sắt rèn đao kiếm súng ống. Nói đến đây bạn đã hiểu gì chưa nhỉ. Vâng chúng tôi đúng là có ăn rau má, nhưng là để tiết kiệm gạo cơm góp cho chiến trường. Chúng tôi có phá đường tàu, nhưng là đường tàu địch và chúng tôi phá đề rèn dao kiếm, súng ống cho chiến trường đó.

Điểm qua cả 3 câu chuyện trên, Thì hai câu chuyện trên rõ ràng câu nói: “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu” là có ý khen ngợi, cảm phục sự chịu khó, anh hùng của người Thanh Hóa trong chiến đấu chống ngoại xâm đó chứ. Ấy vậy mà ngày nay, ý nghĩa của câu nói đó lại bị một số người cố tình làm sai lệch đi.

Xem thêm Thanh Hóa là vùng đất giàu truyền thống.

Lại nói về sự anh hùng của người Thanh Hóa chúng tôi, sử sách đã ghi lại, mọi người cũng đã công nhận, nếu bạn không công nhận thì chắc bạn không phải Vietnamese (đùa).Trong thời kỳ mà phương Bắc (Trung Quốc)lúc nào cũng nhăm nhe chiếm nước ta, xóa bỏ sự tồn tại của nước Việt thì những anh hùng dân tộc như Bà Triệu, Lê Hoàn, Lê Lợi đã làm chúng phải bay hồn bạt vía, khiếp sợ cái sự anh hùng của người Xứ Thanh nói riêng, nước Việt ta nói chung. Các anh hùng dân tộc đó đã làm rạng danh nước nhà, đời đời được ghi nhớ công ơn.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mĩ xâm lược, cái chất anh hùng ấy lại được dịp bùng lên. Ngay khi Pháp còn chưa ổn định tình hình thì các cuộc khởi nghĩa Ba Đình, Hùng Lĩnh… lại làm cho Pháp choáng váng, để chúng biết rằng khuất phục người dân Xứ Thanh là không dễ. Trong nghĩa trang Trường Sơn, hàng bia mộ của các liệt sĩ là nhiều nhất.

Không có đợt quyên góp hũ gạo cứu đói nào mà không có sự đóng góp của người dân Xứ Thanh, thường gấp nhiều lần tiêu chuẩn. Các chiến công của các cụ già bắn máy bay, chiến công Hàm Rồng hay tấm gương thiếu niên Nguyễn Bá Ngọc dũng cảm làm thế giới khâm phục tinh thần chống ngoại xâm của dân tộc ta, từ trẻ tới già đều quên mình vì tổ quốc. Hai chiến thắng đỉnh cao là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, đại thắng mùa xuân 1975 đã đuổi hai đế quốc sừng sỏ nhất thế giới khỏi đất nước Việt Nam có sự đóng góp lớn lao của người dân rau má chúng tôi. Không ai có quyền phủ nhận câu nói của Bác Hồ: “Thanh Hóa anh hùng“.

[center]Vì sao gọi Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu[/center]

Thế đấy, người Thanh Hóa tôi anh hùng, sẵn sàng nhịn đói, nhường cơm sẻ áo vì dân tộc, vì cái chung của người Việt. Xin nhắc lại nếu chúng tôi có ăn Cây rau má nhiều bởi vì chúng tôi phải dành gạo cho kháng chiến, cho đại cuộc. Để rồi ngày nay tất cả chúng ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, đầy đủ, hạnh phúc.

Nãy giờ nói về Thanh Hóa anh hùng, chúng ta phải nói thêm về cây rau má nữa chứ nhỉ?

Cây rau má hay tích tuyết thảo hoặc lôi công thảo (danh pháp hai phần: Centella asiatica) là một loài cây một năm thân thảo trong phân họ Mackinlayoideae của họ Hoa tán (Apiaceae), có nguồn gốc Australia, các đảo Thái Bình Dương, New Guinea, Melanesia, Malesia và châu Á. Nó được sử dụng như một loại rau cũng như trong y học Ayurveda và y học cổ truyền Trung Hoa. Tên khoa học đồng nghĩa là Hydrocotyle asiatica L., Trisanthus cochinchinensis Lour. Theo khoa học, Cây rau má có tác dụng tuyệt vời duy trì sự trẻ trung, thanh nhiệt, hạ huyết áp. Cây rau má cũng được coi là một loại thuốc bổ dưởng, hổ trợ chữa lành vết thương.

Đối với người Thanh Hóa chúng tôi, rau má thật sự là một món rau ngon, có thể ăn sống hoặc nấu canh đều rất thơm và bùi.Rau má ăn ngon nhất là khi kẹp rau sống ăn với bánh đa. Bánh đa giòn, rau má thì ngon, thơm, bùi và mát, ăn thôi rồi. Ăn nhiều rau má cũng khiến bạn bị ghiền đó. Tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ chúng tôi thường hái rau má, rửa với nước sông rồi ăn một cách thích thú. Có thể bạn cho rằng mất vệ sinh, nhưng quả thật ăn rất ngon.

Như các bạn thấy đấy, người Thanh Hóa chúng tôi rất tốt, nếu không muốn nói là cực kì thân thiện, mến khách. Vậy hà cớ gì một số người lại không thích, thậm chí kì thị chúng tôi? Các bạn đã gặp được bao nhiêu người Thanh Hóa rồi ? Mà cho dù có gặp nhiều đi nữa thì cũng không phải là tất cả. Ở đâu cũng người này người kia các bạn à ! Kì thị người Thanh Hóa là không công bằng cũng như ích kỷ. Tôi không dám nhận mình là một người tốt, nhưng tôi cũng xin được nhắc nhở những ai chê dân chúng tôi rằng: Các bạn hãy cố gắng là những người thật tốt nha?

Khi tôi nói vấn đề này ra có một bác đã tăng tôi câu thơ rất hay rằng:

Dù là người ở vùng nào

Có tốt, có xấu làm sao vẹn toàn.

Nói cho đúng đừng nói… oan

Không nên kì thị hãy khoan nặng lời.

Dân tộc ta thật tuyệt vời

Khoan dung độ lượng mọi người thương nhau.

Hãy ghi nhớ lấy một câu

Một giàn khác giống, bí bầu thương nhau.

(Lê Trường Hưởng)

Còn tôi, tôi luôn nhớ câu nói của cha ông:

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Và câu nói của Bác Hồ( Đừng ai nói với tôi không biết Bác Hồ là ai ):

– Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng câu nói đó không bao giờ thay đổi.

Còn các bạn Thanh Hóa hãy bình tĩnh khi bị gọi là: “Dân Thanh Hóa ăn rau má phá đường tàu” nha các bạn. Tôi thấy chả có gì phải xấu hổ cả. Nếu mình tốt thì trước sau gì cũng được mọi người công nhận thôi. Cái phải thì bụt cũng phải nghe mà.


Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan


Về tác giả
trần thắng
Trang cá nhân: tran-thang
Gửi tin nhắn