Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài

Ngày đăng: 25/12/2012
Buổi sáng đầu tiên dưới lòng đất

Tôi thức dậy lúc 6 giờ sáng, khi mặt trời rọi vào lòng hang, đánh răng và ra hồ ấm để bơi vài vòng. Sau một đêm nước hồ đã trở nên khá lạnh (khoảng 23 độ C), và sau 15 phút thích nghi với nước, tôi thử mò sang hồ lạnh kế bên. Nước lạnh đánh thức ngay lập tức mọi giác quan còn ngái ngủ của cơ thể. Chịu đựng được đúng hai vòng bơi thì đành phải lên. Nếu có thêm thời gian, chắc chắn là không lâu sau đó tôi nghĩ mình sẽ thích nghi với nước hồ lạnh.

Hôm nay hứa hẹn sẽ không phải là một ngày VẤT VẢ, mà sẽ là một ngày KHÓ và NGUY HIỂM (not so hard, but really dificult & dangerous - theo lời Hannan - cô bạn người Úc gốc Liban trong đoàn).

8 giờ, bữa sáng bắt đầu với mì tôm và phở. Hình như ngoài tôi và chú Thủy thì 8 bạn ngoại quốc còn lại không hào hứng lắm với hai món này. Tôi phải uống thêm một ly sữa mang theo để đảm bảo nạp đủ protein cho hành trình hôm nay.

[center]Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài[/center]

Cái WC thần thánh

8 giờ 40 phút bắt đầu thu dọn để khởi hành. Tôi muốn đi toilet để chuẩn bị cho ngày dài sắp tới (6-8 tiếng leo trèo liên tục và hoàn toàn không có toilet).

Hai cái WC được dựng lên ở góc xa và khuất nhất của hang, ba mặt được che bằng bạt, rộng chừng 3m2. Ở giữa đặt một xô lớn màu đỏ. Phía trên xô là bệ ngồi plastic (như bệ ngồi trong toilet ở nhà). Khách được yêu cầu đi vệ sinh vào xô, giấy vệ sinh, nước rửa tay khô Green Gross có sẵn bên cạnh. Bạn phải đảm bảo giấy và các phế phẩm nằm trong xô. Bên cạnh là một xô khác đựng đầy trấu (đôi khi là cả gốc rạ đã nghiền nát). Bạn phải dùng gáo múc hỗn hợp này phủ lên chất thải trong xô càng nhanh càng tốt, để đảm bảo không có mùi hôi trong hang. Trấu làm việc này khá tốt, rẻ và lại rất nhẹ. Các xô chứa chất thải này sau đó sẽ được chuyển ra đến khu vực đào hố chôn trong hang. Thật bất công khi đàn én và đàn chim thì “ị” vương vãi khắp nơi, và chúng ta thì phải đi vào xô trấu!

Hang Én

9 giờ, bắt đầu khởi hành. Cả đoàn tiến về phía tối nhất của hang, băng qua con sông nhỏ, sau đó, leo lên một bãi đá lởm chởm để ra một nhánh khác của hang. Hang này dài hơn 500m, và tôi đã không thể tin vào mắt mình khi đi đến cuối đoạn đường, thấy đập vào mắt một cửa hang đẹp lộng lẫy.

Trong lòng Hang Én cũng như cả hang Sơn Đoòng, phía sau luôn có hai phần chạy song song nhau. Một bên là con sông nhỏ chạy sát vách hang. Phần còn lại chính là các khối đá lớn rơi trong lòng hang, đôi khi bít hết cả lòng hang, và các thạch nhũ mang theo các tinh thể CaCo3 từ hàng triệu năm trước. Cả đoàn leo lên phần đá lởm chởm còn lại để tiến ra cửa sau của Hang Én. Trần hang của cửa sau thậm chí còn cao hơn con số 120m của phần mái vòm phía trước, phải đến 150m (gần bằng độ cao của toà nhà Bitexco), rộng chừng 200m. Cửa sau của hang thì mở ra một con suối đầy cây xanh. Cảnh vật như tranh vẽ.

Hang Én được Hollywood chọn làm bối cảnh của NeverLand trong phim “Peter Pan” quay trong năm 2014, phim sẽ ra rạp trong hè năm nay.

[center]Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài[/center]


Con suối - người dẫn đường

Đoạn đường này đi trên nền cát, dù không bằng phẳng và cũng hơn chục lần lội qua suối, nhưng vẫn là đoạn đường êm ái nhất của cả hành trình.

Con suối rất đẹp, yên bình, lại chảy dọc theo các khối đá vôi sắc cạnh bị nước bào mòn, tạo nên nhiều cảnh đẹp mê hồn. Có những thân cây cổ thụ dài hơn chục mét to phải hai người ôm lúc nằm vắt ngang suối, lúc lại nằm lơ lửng mắc hai bên vách núi. Không thể tin được con suối hiền lành trong mát của mùa khô lại biến thành con sông kinh khủng ***c ngầu đầy sức mạnh vào mùa mưa.

11 giờ 30 phút, khi vách núi chứa hang Sơn Đoòng hiện ra, thì cũng là lúc dòng suối biến mất, nó chui theo ngách ngầm dưới lòng đá để chảy vào lòng hang Sơn Đoòng. Cửa vào hang Sơn Đoòng cũng nằm ở lưng chừng núi (cao khoảng 90m so với mặt đất), nên cả nhóm rẽ phải và bắt đầu leo núi, hướng lên miệng hang. Từ dưới điểm kết thúc của dòng suối nhìn về phía miệng hang, mọi người chỉ thấy một màu xanh đặc của cây cỏ xen lẫn với màu xám của đá. Không ai có thể nhận ra một miệng hang dẫn vào hệ thống hang động lớn nhất thế giới lại nằm ở đó. Và mọi người trong đoàn đều đồng loạt quay sang hỏi nhau: "Ông Hồ Khanh đã làm cách nào để tìm ra nó?” Và chẳng ai trong đoàn có thể nặn ra được một câu trả lời hợp lý cả!

[center]Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài[/center]
[i] [center]Lòng suối dẫn vào hang Sơn Đoòng[/center][/i]

Con đường lên vách núi dựng đứng. Dù đã được khai hoang và bồi đắp một phần bởi Oxalis, nhưng đường lên vẫn rất hẹp và bị chặn bởi các tảng đá vôi hình thù như những lưỡi dao và cực sắc nhọn chắn ngang. Mọi người vất vả tiến lên núi, mò mẫm bò, trườn, vắt vẻo qua các khe hẹp, leo qua các tảng đá, các cầu khỉ bắc tạm. Tôi đã thực sự thở dốc và chóng mặt khi phải liên tục leo lên sườn núi dựng đứng, tốc độ di chuyển của cả đoàn rất nhanh, thậm chí chẳng có thời gian để đứng thở lấy sức. Chỉ cần vài chục giây nghỉ lại, bạn đã có thể lọt lại phía sau. Đôi giày của tôi đế mềm và khá trơn, thế nên việc di chuyển đã tốn nhiều sức hơn mọi người, khi phải liên tục áp sát bụng vào vách đá, hay ngồi bệt xuống mặt đất để trườn qua các đoạn trơn trượt.

12 giờ 30 phút, cả đoàn lên đến khu vực tập kết gần miệng hang, gối ai cũng lỏng vì đã lội hơn 2km suối và leo hơn 100m núi dựng đứng. Chúng tôi ăn trưa nghỉ ngơi tại đây trước khi vào hang.

1giờ 15 phút chiều, cả đoàn bắt đầu đeo các dụng cụ leo núi lên người, gồm có đai quanh thắt lưng và dưới mông, hai dây khoá an toàn, găng tay leo núi, mũ bảo hộ có gắn đèn. Riêng tôi còn có thêm bộ bảo hộ khuỷu tay và đầu gối. Cảm giác thật lạ, vì háo hức và cả lo sợ.

Deb và Ruth hướng dẫn mọi người đu dây từ điểm tập kết xuống cửa hang. Đây là lần đầu tiên tôi biết thế nào là leo núi bằng dây, và nó không dễ tí nào. Dây thừng được gút lại nhiều gút trên cả đoạn dây vài chục mét. Một đầu được buộc vào thân cây, đầu còn lại thả rơi tự do. Cả trọng lượng cơ thể khi leo xuống sẽ dồn hết vào hai bàn tay nắm chặt sợi dây này, và bạn rất khó để biết phía dưới kia là gì. Bạn sẽ phải tự thả mình xuống từ từ dọc theo vách đá của sườn núi dựng khoảng 70 độ. Ngoài sợi dây duy nhất này ra thì hoàn toàn không có gì để đảm bảo an toàn cho bạn. Và nên nhớ, dưới bạn là hẻm núi sâu ít nhất 80m đầy đá sắc nhọn. Da tay tôi bắt đầu đỏ và các khớp ngón tay hơi đau dưới lớp găng tay, dù đây mới là sợi dây đầu tiên của ngày.

[center][i]Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài[/i][/center]


Cửa vào Sơn Đoòng

2 giờ chiều, mọi người đã tập trung tại khu vực cửa vào. Lối vào hang thực ra là một lỗ mở ra từ lòng hang trên vách núi, đường kính chỉ khoảng hơn 6m, và bị khá nhiều cây cối che phủ. Gió lạnh mang theo hơi nước dày đặc thổi ngược từ trong hang ra tạo nên một dòng sương mỏng như khói bay ra. Hơi nước càng lúc càng dày và lạnh hơn. Nhiệt độ tại miệng hang giảm hơn gần 10 độ C so với cái nóng thiêu đốt bên ngoài. Vì hơi nước, đèn và ống zoom của máy ảnh cũng không thể nào thấy được lòng sâu dựng đứng của hang, mắt người thì hoàn toàn chịu thua.

Đập vào mắt cả đoàn là một hệ thống chi chít các thạch nhũ màu xám chìa ra từ trần hang. Một số thạch nhũ ở đây lại mọc theo chiều ngang, điều này là rất kỳ lạ, nếu không tận mắt thấy thì không thể tưởng tượng ra được dù có nghe kể lại (thạch nhũ là các cột đá vôi tạo thành do các giọt nước li ti mang theo tinh thể đá vôi kết dính lại với nhau, thông thường mọc từ trần hang và hướng xuống, hay từ đáy hang hướng thẳng lên trên). Theo lời Bamboo, do gió thổi từ miệng hang ra rất mạnh, nên các giọt nước ở đáy khối thạch nhũ bị thổi dạt theo một hướng, và các hạt tinh thể đá vôi cũng kết dính theo hướng này tạo thành các khối thạch nhũ… nằm ngang!

[center]Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài[/center]
[i][center]Tấm ảnh duy nhất cửa vào của Hang Sơn Đoòng vì lúc máy ảnh của Trung Cương hết pin.[/center][/i]

Từng người một sẽ phải đu dây xuống lòng hang, vì lý do an toàn, nên mọi người phải chờ khá lâu mới tới lượt mình. Vách hang hướng xuống dựng đứng, chỉ nghiêng khoảng 10 độ, cực kỳ trơn và không có điểm để bấu víu.
Bamboo phụ trách việc gắn hai sợi dây vào các móc kim loại đã được khoan sẵn vào vách đá và hướng dẫn mọi người cách sử dụng dây, cũng như tư thế khi thả mình xuống. Một sợi dây chịu lực do Bamboo điều khiển sẽ chịu trọng lực của người leo, được móc vào bộ đai quanh thắt lưng của chúng tôi. Bamboo sẽ thả từ từ để khách bám vào sợi dây thắt gút mà thả mình xuống.

Có một điều mà tôi đã không khai với Deb khi điền vào hồ sơ lúc đăng ký tour: tôi sợ độ cao! Và khi treo mình ở gần 100m trên miệng hang, thả từ từ xuống dưới bóng tối, cái cảm giác thật sự là nghẹt thở.

Đến đoạn căng thẳng nhất, khi dây an toàn bắt ngang qua một khối thạch nhũ to chìa ra khỏi vách hang, thì chân tôi bất ngờ trượt khỏi cái gờ thạch nhũ bên dưới (mà lẽ ra chân phải bám vào), rơi xuống và treo hẳn trên sợi dây an toàn đang móc vào vách đá. Đầu óc tôi lúc này đã đóng băng vì sợ hãi, và gần như phát khóc. Phải tự trấn an và mò mẫm trong sợ hãi để bò sang phải khối thạch nhũ mà chẳng biết sợi dây an toàn chịu được trọng lượng của mình trong bao lâu nữa. Tôi gần như nín thở và không dám nhìn xuống, khi biết phía dưới còn hơn 50m đá vôi sắc như dao.

Ơn trời, không lâu sau đó, một bàn tay xuất hiện và chộp lấy vai tôi, lôi hẳn sang phải đến khi chân mình có thể chạm lại vào gờ thạch nhũ. Đó là anh chàng porter cắm ở đoạn này. Đó cũng là lúc cảm giác mạch máu ở hai bên thái dương bắt đầu chảy trở lại.

3 giờ chiều, chân chạm được đến nơi nghỉ giữa vách hang, tôi xém hét to vì mừng, cuối cùng nỗi sợ hãi cũng đã qua được một phần. Ngay lúc ấy, tự nhiên tôi lại có cái ý nghĩ: những bạn đã cười cợt khi biết tôi đã nghĩ tới việc viết di chúc và mua bảo hiểm mức độ cao nhất của mình trước chuyến đi, liệu họ có còn cười nổi không khi biết chặng đường chúng tôi đang trải qua?

Phía dưới còn sâu hơn 40m nữa, đoạn này tương đối dễ, nhưng lại không có dây an toàn để bạn có thể móc đai vào, nên tất cả chỉ trông mong vào đôi bàn tay đeo găng bám thật chắc vào dây thừng! Lúc này xuất hiện ba porter mình trần từ dưới leo lên. Không thể tin nổi khi trên lưng mỗi người là một bao chứa nước to, không găng tay và cũng chẳng có sợi dây bảo hộ nào. Họ gùi nước sạch từ dưới đáy hang lên điểm tập kết phía ngoài cửa hang. Và ba người sắp leo lên tận cửa hang, vẫn trong điều kiện như thế, nhện chứ chẳng phải người nữa rồi.

Xuống đến đáy hang thì da tay ai cũng gần như phồng rộp, mồ hôi đầm đìa vì căng thẳng dù rằng gió trong hang khá lạnh. Mặt ba cô gái đến từ Dubai thì gần như chẳng còn giọt máu. Còn tôi thì tự hỏi, xuống hang mà nghẹt thở vậy, vậy ngày về đu lên thì sẽ thế nào???

[center]Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài[/center]
[center][i] Một nửa nhóm đang băng qua con suối chảy trong hang, ngay khi vừa đu dây từ miệng hang Sơn Đoòng xuống. Đá phía trên sắc bén thế nào thì dưới nước cũng thế.[/i][/center]

Ước mơ Sơn Đoòng - cuối cùng cũng thành hiện thực!

3 giờ 20 phút chiều, cảm giác được đặt chân vào lòng hang Sơn Đoòng sau chặng đu dây nghẹt thở vừa rồi thật đặc biệt.

Thạch nhũ trong hang Sơn Đoòng không nhiều và chi chít như ở động Phong Nha, nhưng rải rác và kích thước thì... khổng lồ. Lòng hang có hình chóp nón, nhọn ở đỉnh và mở rộng dần về phía chân. Cái chóp nón này kéo dài khoảng 5km dọc theo con sông chảy trong hang. Trần hang cao hun hút, đèn pha trên mũ không tài nào soi tới trần hang nữa (chắc chắn phải cao hơn con số 120m của trần Hang Én).

Mọi người bắt đầu leo dọc theo phần đá trong lòng hang. Phần vách đá này không phải đá tảng, mà là vô số hình hài đá vôi sắc nhọn, xen lẫn với đá marble xám, có lúc lại là đá marble hồng và thạch nhũ. Vách đá có đoạn thấp ngang tầm của dòng suối, có đoạn đá trên trần hang rơi xuống chắn ngang cao vài chục mét, mỗi tảng to như vài ngôi nhà 5 tầng lầu chập lại. Và trong hầu hết đoạn leo trèo này hoàn toàn KHÔNG CÓ BẤT KỲ BIỆN PHÁP AN TOÀN nào ngoài hai bàn tay và đế giày bám vào mặt đá trơn. Một bước sảy chân, bạn sẽ nằm ngay dưới hố sâu vài chục mét đầy đá nhọn. Cho đến lúc này, tôi vẫn không tin nổi là mình đã vượt qua được chặng đường đó!

4h15, chúng tôi phải băng qua con sông ở nơi nó chảy theo chiều ngang của lòng hang. Nước sâu qua thắt lưng, mát lạnh. Đây cũng là nơi tắm duy nhất của cả hành trình hôm nay, điểm tập kết tối nay sẽ không có nước vệ sinh.

[center]Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài[/center]
[i][center]Trong lòng hang Sơn Đoòng khoảng 4 giờ chiều. Vùng sáng phía sau của bức hình chính là Doline 1 - hố sụt số 1(cả hang Sơn Đoòng có 2 hố sụt).[/center][/i]


Doline 1 - thiên đường giữa mây khói


Từ dòng sông, chúng tôi sẽ tiếp tục di chuyển hướng về Doline 1 (hố sụt tự nhiên), cũng là nơi đoàn nghỉ đêm tối nay. Đây là một lỗ lớn thông với không gian bên ngoài hang, hiện ra ở cuối đoạn đường. Cảnh tượng hiện ra thật mờ ảo và dường như không thuộc về trái đất nữa!

Trước mặt cả đoàn là một trần hang khổng lồ, giữa cái trần hang ấy là hai phần rõ rệt, bên trái là con sông sâu hun hút, bên phải là một “cao nguyên” tương đối bằng phẳng, trên cái cao nguyên ấy thấp thoáng bóng dáng các căn lều ngủ đêm của đoàn và bếp lửa đang nghi ngút khói nấu ăn của các porter đã đến trước.

Điểm cắm trại thứ 2

5 giờ 30 phút, chúng tôi tập trung tại điểm cắm trại, 6 giờ 15 phút, bữa tối sẵn sàng. Thực đơn đa số là thịt được nấu chín kỹ, và rau xào. Bữa tối diễn ra khá nhanh. Có vẻ sức nặng của hai ngày hành trình, một ngày thiên về sức bền, và một ngày nghiêng về độ khó lẫn nguy hiểm, đã bắt đầu ảnh hưởng đến thể trạng của các thành viên trong đoàn. Ai cũng thấm mệt và ít nói.

Đom đóm bay mờ ảo trong hang và nước từ trần hang rơi xuống tí tách như mưa

Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan