Vì sao gọi người Nghệ An là dân "cá gỗ"

Ngày đăng: 28/02/2024

Ngày nhỏ, cứ nghe thấy ai đó nói giọng trọ trẹ là người ta lại bảo, đấy là dân cá gỗ. Lấy làm lạ, chưa hiểu tại sao lại thế?, cá thật chẳng ăn ai, lại là cá gỗ. Rồi tò mò, tôi đi hỏi người lớn, người lớn kể cho tôi nghe câu chuyện dân gian xưa:

CHO KHÁT NƯỚC... CHẾT LUÔN

Một anh hà tiện thuộc loại vắt cổ chày ra nước, không bữa cơm nào mà dám mua thức ăn. Anh ta treo một con cá gỗ lơ lửng ở giữa nhà, dặn các con khi ăn cơm thì nhìn lên cá gỗ, chép miệng một cái rồi và cơm, coi như là đã được ăn cơm với cá rồi. Đứa con út mới lên bốn tuổi, háu ăn, nhìn lên con cá gỗ chép miệng luôn mấy cái mới và cơm. Thằng lên sáu trông thấy liền mách bố: - Thằng này nó chép miệng mấy cái liền mới và cơm đó bố ạ! Anh ta mắng: - Cứ để nó ăn mặn cho khát nước chết luôn!!!

Hình ảnh người Xứ Nghệ trong tôi ngày ấy là keo kiệt lắm. Và, tại sao phải khổ thế...!!!

Lớn lên... đi học, tôi có thêm những người bạn có cha mẹ là người gốc Xứ Nghệ ra sống và làm việc ở Hà Nội, tôi theo bạn đến nhà ăn, ngủ, học ở đấy, rồi tiếp xúc với họ. Tôi có thấy người Nghệ keo kiệt đâu, chỉ thấy họ nói to, giọng thì nặng trình trịch và rất hay có những cuộc gặp gỡ đồng hương, giao lưu, vui vẻ và hào phóng. Ào ào như cơn lốc ngay từ ngoài cổng.

Khi tôi vào đại học, trong lớp có những người bạn quê ở vùng Thanh - Nghệ Tĩnh, tôi làm lớp trưởng - trách nhiệm là luôn phải quan tâm đến mọi người... Trong số ấy, những người bạn đến từ vùng đất miền Trung nắng cháy, họ hiện thân trong tôi là anh học trò nghèo ngày xưa: nghèo mà hiếu học, thông minh, chăm chỉ, chịu khó, nghĩ sao nói vậy, không lắt léo, loằng ngoằng, nhì nhằng trong ứng xử, quan hệ...

Hè, chúng tôi dong duổi đi chơi, theo những người bạn ấy vào Thanh, Nghệ An, Hà Tĩnh (phần này tôi đã có dịp tâm sự). Cũng ba cùng với những người bạn ấy và gia đình của họ.

Vẫn giọng trọ trẹ khó nghe, nhưng phát âm rất chuẩn từ chữ tr, ch, r, s và x... vẫn ăn to, nói lớn, cứ oang oang mà không nhỏ nhẹ (kể cả con gái).

Gia đình các bạn tôi từ Diễn Châu, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương (Nghệ An) đến Nghi Xuân, Can Lộc (Hà Tĩnh)... vùng quê nào, ngôi nhà nào chúng tôi đến cũng đầy ắp tiếng cười, lòng người cứ chân chất, thẳng tưng như ruột ngựa, chẳng úp úp mơ mở, chẳng quanh co, lòng vòng, nói là làm, nghĩ sao nói vậy... Và, hơn hết là tính hiếu khách của gia chủ, yêu và ghét rất rõ ràng.

Thế đấy, người Xứ Nghệ cứ đẹp dần lên trong mắt tôi, đẹp dần lên trong những lời nhận xét của tôi khi có ai đó hỏi tôi về họ.

Cái nghề nghiên cứu của tôi đã cho tôi được đi và đến nhiều vùng miền trên đất nước, tiếp xúc với nhiều người, tìm hiểu thêm về nhiều vùng đất dưới góc nhìn của văn hóa... tôi trân trọng hai từ cá gỗ. Lâu rồi, cá gỗ trở thành một đại từ chỉ người Xứ Nghệ, như đã là thế, như không thể khác được.

Người Nghệ tự hào vì hai từ ấy! Người Nghệ luôn tự mình hơn người bởi hai từ ấy...!

Tôi hoàn toàn đồng tình. Bởi, phải hiểu xuất phát điểm của cụm từ này là từ một vùng quê nghèo mùng tơi chưa kịp rớt, mới hiểu người Xứ Nghệ đã phải gồng mình đi lên như thế nào để vượt khó, vượt khổ. Trong cái gian lao ấy, tâm hồn và ý thức của họ thật lớn, con cá gỗ của anh học trò nghèo Xứ Nghệ ngày xưa chỉ còn trong tiềm thức, trong lời nói của sinh viên Xứ Nghệ ngày nay. Cuộc sống ngày một đổi thay... hình ảnh cá gỗ mãi là niềm tự hào, bởi trong cái sự nghèo túng ấy, người Xứ Nghệ đã biết ước mơ, biết khao khát từ những việc tưởng như rất nhỏ hàng ngày, ẩn chìm và hiển hiện trong mỗi bữa cơm ăn, trong nỗi lo thường nhật. Nhưng là khát vọng để vươn tới, để cố gắng.

Xin cảm ơn câu chuyện dân gian, cảm ơn anh học trò nghèo Xứ Nghệ, cảm ơn những con người Xứ Nghệ qua nhiều thế hệ vẫn mãi giữ được truyền thống nghèo mà hiếu học, vẫn giữ được hai chữ cá gộ nghe sao thấy tội tội sao mà thương, mà quý, để mãi... nâng niu!

Xem chỉ đường tới Nghệ An, Vietnam

Đăng nhập để bình luận:

Tôi tự hào về quê hương hiếu học này


Bài liên quan