Ô Cầu Dền 1880.

Ngày đăng: 11/01/2025

Đây là bức ảnh đầu tiên có được về cửa ô Cầu Dền. Vị trí của cửa Ô Cầu Dền xưa chính là ngã tư lớn, nối liền 4 tuyến đường: Đại Cồ Việt,  Bạch Mai, Trần Khát Chân và phố Huế. Nếu đi từ Trung tâm Thương mại Tràng Tiền Plaza gần Hồ Gươm, bạn chỉ cần đi dọc phố Hàng Bài khoảng 620m, sau đó di chuyển tiếp trên phố Huế chừng 1.200m là đến ngã tư này.

Ô Cầu Dền 1880.

Ô Cầu Dền 1880.

Lịch sử Ô Cầu Dền Hà Nội
Có 5 cửa ô Hà Nội thường được nhắc đến trong những áng thơ văn hay ca khúc về Thủ đô, bao gồm: Ô Cầu Dền, Ô Quan Chưởng, Ô Cầu Giấy, Ô Chợ Dừa và Ô Đống Mác. Tuy nhiên con số này được xem là mang tính tượng trưng. Thực tế Hà Nội có bao nhiêu cửa ô còn tùy thuộc vào thời kỳ.

Sách “Bắc thành dư địa chí” (được biên soạn vào đầu thế kỷ 19) ghi rằng Hà Nội có 21 cửa ô, tuy nhiên lại không liệt kê đầy đủ tên của các địa danh này. Các nhà sử học cho biết vào thời Lê, nơi đây có 16 cửa (8 ô kép), thời Nguyễn còn 15, sau dần rút xuống còn 12 cửa.

Thời điểm giải phóng Thủ đô, đường tiến quân của nhân dân ta theo 2 mũi chính, đó là Ô Cầu Giấy và Ô Cầu Dền. Có thể thấy dù ở giai đoạn lịch sử nào của đất nước, địa danh này vẫn luôn là 1 trong những cứ điểm chiếm vị trí quan trọng đối với Thủ đô.

Ô Cầu Dền 1880.

Xét về lịch sử, theo Đại Việt sử lược (quyển II & III, NXB Sử Học - Hà Nội - 1960), địa danh Ô Cầu Dền tại Thăng Long đã xuất hiện trong sử sách thời Lý, tức là khoảng thế kỷ XI - XII. Trước đó, cái tên này đã xuất hiện ở cố đô Hoa Lư (Ninh Bình), trên tấm bia cổ, cầu đá qua sông Hoàng Long. Đồng thời Ô Cầu Dền cũng là tên của một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư. Về tên gọi, giáo sư Sử học Trần Quốc Vượng cho rằng địa điểm này cùng với nhiều cửa ô khác tại Hà Nội được vua Lý Thái Tổ đặt tên theo vùng cố đô xưa, sau khi chuyển ra kinh thành mới.

Ô Cầu Dền còn gắn liền với điển tích về một học trò mồ côi sống ở làng Kim Liên, thời nhà Mạc. Vì gia cảnh nghèo nên cậu phải đi dạy học để kiếm ăn qua ngày. Trong những năm gian khó, nhờ những mẫu rau dền, cậu đã giúp nhiều người cùng vượt qua được thời kỳ đói kém. Vì thế chỗ người học trò đó ở được gọi là Cầu Dền.

Theo lời kể của các vị bô lão, từ thời xa xưa đến tận những năm 1945 - 1954, vị trí Ô Cầu Dền hiện tại vốn có dòng sông chảy qua. Hai bên bờ là bãi đất phù sa với những luống rau màu tươi tốt quanh năm, và loại nhiều nhất chính là rau dền. Theo đó, con cầu bắc qua sông, khu vực có nhiều loại rau này cũng được gọi là Cầu Dền.

Nghiên cứu bản đồ và tài liệu xưa, các nhà sử học cũng nhận thấy Ô Cầu Dền tồn tại từ lâu (ít ra là từ thế kỷ thứ XVIII). Thời nhà Nguyễn, đây là cửa ô quan trọng nhất trên đường Cái Quan, nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh khu vực phía Nam.

Hình ảnh Ô Cầu Dền những năm thế kỷ XVIII gồm 3 lũy đất không quá cao, kế đó có dãy tường nhỏ có lối đi bên trên. Ngoài cửa ô là rào tre dày đặc, dưới rào có hào sâu, trong hào cắm chông nhọn, vô cùng kiên cố. Cửa ô được bố trí tới 3 tầng vọng canh, lúc nào cũng có hai hàng lính gác cầm đao thương để kiểm soát nghiêm ngặt người ra vào (Theo mô tả của Lê Hữu Trác khi đi qua Ô Cầu Dền vào năm 1782).

Vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, trong khi ô Quan Chưởng vẫn giữ vẻ ngoài uy nghi thì Ô Cầu Dền cùng nhiều cửa ô khác bị người Pháp gỡ bỏ. Sau đó nơi đây trở thành điểm họp chợ, náo nhiệt và sầm uất quanh năm.

ola88 sưu tầm

Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan


Về tác giả
Trần Trân
Trang cá nhân: thangtd
Gửi tin nhắn