Đông trùng hạ thảo có thực sự tốt không?

Ngày đăng: 25/12/2014

Đông trùng hạ thảo (ĐTHT) bấy lâu nay vẫn được coi là 'thần dược' cho sức khoẻ với mức giá khủng từ hàng trăm triệu đến cả tỷ đồng/kg. Vậy tác dụng thực tế của loại dược liệu đắt hơn vàng này như thế nào?

Theo các chuyên gia, dù có dược lý rất phong phú nhưng người tiêu dùng không nên thần thánh hóa, coi đông trùng hạ thảo là thần dược chữa bách bệnh.
TS Phùng Tuấn Giang (nhà thuốc Thọ Xuân Đường, Hà Nội), là người may mắn được đến 2 vùng có chất lượng ĐTHT tốt nhất tại Thanh Hải, Tây Tạng, Trung Quốc và cùng với người dân bản địa đi thu hái loại thảo dược này.
Đông trùng hạ thảo có thực sự tốt không?
Thời điểm đó, sản lượng mỗi vùng cực kỳ hạn chế, chỉ từ 600-800kg.

“Với sản lượng ĐTHT thiên nhiên thấp vậy thì việc tiêu thụ tại Trung Quốc còn không đủ, lấy đâu sang nước mình. Chưa kể càng ngày càng khan hiếm, trong khi nhu cầu quá lớn”, TS Giang nói.
Theo ông, chính vì quá hiếm nên ĐTHT bị đồn thổi về tác dụng, khiến ai cũng nghĩ đó là thần dược chữa bách bệnh.
“Tôi khẳng định ĐTHT là thảo dược quý nhưng không phải thần dược trị bách bệnh. Nó cũng giống như các vị thuốc thông thường thôi”, TS Giang nhấn mạnh.
Đông trùng hạ thảo có thực sự tốt không?
Theo TS Giang, trong y học cổ truyền, tác dụng chính của ĐTHT là vị thuốc quý bổ dưỡng, nâng cao sức khỏe, tăng miễn dịch, phục hồi sức khỏe cho bệnh nhân sau ốm dậy, sau điều trị bệnh mãn tính, nan y, tốt cho việc tăng cường hormone sinh dục nam, trong những trường hợp đột quỵ, tai biến mạch máu não...
Đồng quan điểm, Ths.BS Hoàng Khánh Toàn, Trưởng khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện 108 cho biết, ĐHTH là thuốc quý, đã được ghi lại trong nhiều y thư cổ của Trung Quốc.
Mới đây nhất, 2 cuốn Trung dược đại từ điển, xuất bản 1997 và cuốn Trung dược học hiện đại lâm sàng xuất bản 2002 của Trung Quốc cũng đã khẳng định ĐTHT trong thành phần hoá học có 25-32% protid, có nghiên cứu cho rằng tỉ lệ này lên tới 44,26% và khi thuỷ phân nó cho 14-19 axit amin quý cùng các vitamin A, B1, B 2, B 12, C và các nguyên tố vi lượng khác.
“Đặc biệt trong ĐTHT có chất axit cordycepic chiếm khoảng 7%. Chất này không chỉ được các nhà khoa học Trung Quốc thừa nhận công dụng mà các nhà khoa học Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đã áp dụng nghiên cứu điều trị ung thư”, BS Toàn thông tin.
Dù có các dược lý phong phú nhưng BS Toàn khẳng định: Đây không phải là vị thuốc chữa bách bệnh. Cho đến nay cũng chưa có bất kỳ vị thuốc nào là thần dược, thuốc nào cũng chỉ chữa được một số bệnh nhất định. Việc thần thánh hoá để đẩy giá là điều phải cảnh giác”.
Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (nguyên Chủ tịch T.Ư Hội Đông y Việt Nam) cho biết: “Đúng là tác dụng của đông trùng hạ thảo đã bị tâng bốc thái quá. Đông trùng hạ thảo là vị thuốc có tác dụng bồi bổ một số bệnh. Nhưng không phải điều trị được lục phủ ngũ tạng, thậm chí chữa được những trọng bệnh như một số phương tiện thông tin đã đồn thổi. Từ đó sản phẩm này bị đội giá lên gần chục triệu đồng một lạng, nhưng kết quả thì phần nhiều chưa thấy rõ ràng. Đông trùng hạ thảo không thể chữa được ung thư, hen suyễn hay vô sinh như những lời quảng cáo.
Một thực tế khác là trên thị trường hiện nay các thông tin về đông trùng hạ thảo nhập khẩu và sản xuất trong nước vẫn còn “nhập nhằng”, các siêu thị, đại lý phân phối cho thương hiệu đông trùng hạ thảo trong nước còn thưa thớt, những chuỗi cửa hàng phân phối về đông trùng hạ thảo đa phần là hàng nhập khẩu từ Mỹ, Nhật, Hàn, Trung Quốc, hàng Việt Nam chưa có “chỗ đứng” trên thị trường, thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa rõ ràng. Đặc biệt niềm tin của khách hàng vào sản phẩm chưa cao, các kênh truyền thông về sản phẩm còn hạn chế khiến ranh giới hiểu biết giữa người sử dụng về các thương hiệu uy tín còn mập mờ khó phân biệt.
Việc ĐTHT được rao bán tràn lan, quảng cáo những lời có cánh với các tác dụng trên mây, khiến người tiêu dùng như đứng giữa mê hồn trận, không biết thực hư tác dụng và chất lượng ĐTHT mình mua được có phải là 'hàng xịn hay không?
Theo thông tin từ TS Phạm Văn Nhạ, Giám đốc TT đấu tranh sinh học - Viện bảo vệ thực vật đưa ra tại Toạ đàm trực tuyến Thị trường Đông trùng hạ thảo Việt Nam - Minh bạch và Phát triển do Báo Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức ngày 28/8 tại Hà Nội, trên thị trường có rất nhiều đông trùng hạ thảo được rao bán, nhưng hầu hết có xuất xứ từ Trung Quốc. Và nhiều mẫu đông trùng hạ thảo này, khi phân tích đều có hoạt chất dược chất rất thấp.
Ngược lại, khi kiểm nghiệm, hàm lượng dược chất của ĐTHH được nuôi trồng còn cao hơn ĐTHT tự nhiên. Lý do theo TS Nhạ là bởi được nuôi trồng đúng quy trình, việc thu hái và bảo quản cũng tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu khắt khe của nhà sản xuất.
Theo ông Nhạ, việc phơi sấy, bảo quản ĐTHT sau thu hoạch là quy trình quyết định rất lớn đến chất lượng và giữ được các hoạt chất quý của sản phẩm. Nếu bảo quản không đúng cách, sau hai tháng thu hoạch, chất lượng sẽ sụt giảm nghiêm trọng. 
TS Lê Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng tôi vẫn cấp phép cho các sản phẩm đông trùng hạ thảo, vì sản phẩm này nằm trong danh mục thực phẩm chức năng, tuy nhiên nguyên tắc là sản phẩm phải có cơ sở khoa học chứng minh công dụng của nó thì mới được cấp giấy chứng nhận. Đông trùng hạ thảo có những tác dụng nhất định của nó, được đông y công nhận từ xa xưa rồi”.

Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan