Hà giang ký sự của anh Trần Lập (p2)

Ngày đăng: 25/12/2014

Mình từng không ít lần gây ngạc nhiên cho người ở đây khi ngồi chung chờ bánh nóng và ăn ngon lành. Thôi thì chuyện gặp fan thì nơi nào cũng có nhưng gặp người biết mình ở những vùng hẻo lánh khiến cũng ngạc nhiên không ít lần. văn hoá khác nhau có nhiều khi rất phiền nhưng đành kệ. Đã chơi phủi thì buớc qua ngại ngần thì mới vui được.
Bánh cuốn ăn no thì ngấy nhưng ngấy lại thêm lý do để la cà café bên chợ cổ ngắm những vách nhà liêu xiêu.
Chợ giờ thì gia cố to đẹp rồi, trúng phiên sáng Chủ Nhật thì vui cực mà không trúng cũng chẳng sao. Tán gẫu quanh bàn café, để ý một chút bạn sẽ biết tại trấn Đồng Văn hiện nay chỉ còn khoảng 20 ngôi nhà cổ, trên dưới 100 tuổi nằm xếp vào nhau dưới núi đá. Trong khu phố cổ, những ngôi nhà có tuổi đời nhiều nhất thuộc dòng họ Lương. Còn đâu là những nhà ống kiểu phố miền xuôi xấu òm. Thật là muốn đời sống họ khấm khá phát triển lên nhưng vẫn tiếc cái vốn cổ cứ bị nuốt dần đi bởi cái nhôm nhoam thị thành.
Ấy thế mà vui cũng đừng quên lên Mã Pì Lèng và sang Mèo Vạc chơi.
Mà đã nhắc nhau lên đường thì cũng đừng quên đổ xăng ngay ở trấn này trước khi lên Mã Pi Lèng. Không có trạm nào trên con đèo khủng ấy cho nên làm khổ mình vì sơ suất thì khó đỡ lắm.
Mình dành ra một phần đặc biệt nhất để nói về con đèo xếp hạng vua này mà phần lớn mọi người chỉ để ý nó là 1 trong tứ đại đỉnh đèo miền Bắc mà không biết gì hơn. Đã đi qua các con đèo ấy, mình xếp Ô Quy Hồ và Mã Pì Lèng là hoành tráng nhất. Mình cảm nhận rằng Ô Quy Hồ vắt từ Lai Châu sang Sapa đẹp kiểu lãng mạn bất tận thì Mã Pì Lèng dữ dội và cuơng mãnh vô cùng.
Mã Pí Lèng là tên gọi theo tiếng Quan Hỏa chỉ sống mũi con ngựa theo nghĩa đen. Nhưng theo nghĩa bóng tên gọi này chỉ sự hiểm trở bậc nhất của đỉnh núi, nơi những con ngựa cái leo lên đến đỉnh trụy thai mà chết, nơi dốc cao đến mức con ngựa đi qua phải tắt thở. Những biker phải thót bụng chạy số thấp thận trọng, những bác tài già bớt chuyện và nắm vô lăng từ tốn bò qua. Ở độ cao khoảng 2000m này chưa thể khiến một người mạnh khoẻ ù tai chóng mặt vì thiếu duỡng khí. Thế nhưng cảnh đẹp kiểu dã man giữa đá tảng trời mây vần vũ bên trên vực sâu hoắm bên dưới, đường cua lên xuống cong queo lởm chởm, tầm mắt bị tản rộng khó tập trung khiến bạn nao nao tim đập nhanh.
Truy tài liệu xưa cho thấy trước những năm 1960 hơn 8 vạn người Mèo thuộc 4 huyện ở phía sau các dãy núi hùng vĩ của cao nguyên Đồng Văn không có khái niệm con đường. Bao đời họ chỉ biết vượt Mã Pí Lèng bằng cách đóng cọc treo dây trên vách đá để bò qua chín khoanh đèo hun hút, lởm chởm đá tai mèo dựng đứng. Dốc Chín Khoanh leo tới đỉnh Mã Pí Lèng còn gọi là con dốc của Giàng. Chính nơi đây từng là giang sơn nơi Vua Mèo treo người không phục mình lên cột cho đến chết và sau vua Mèo là thổ phỉ hoành hành, lấy cán bộ mở đường làm bia tập bắn.
Năm 1959 với sự tham gia của hàng vạn thanh niên xung phong và bà con thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô v.v. của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng, Hà Tuyên Thái, Hải Hưng, Nam Định. Sau 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công ***c khoét trên 2.899.638m3 đá mà hầu hết trong đó là lao động thủ công không có sự hỗ trợ của máy móc, con đường được hoàn thành hoàn thành vào 15 tháng 6 năm 1965.
Qua hơn 1.000 ngày đầu tiên con đường được thi công, cả vạn thanh niên xung phong và người dân các dân tộc vấp phải một bức tường thành đá khổng lồ dựng đứng là đỉnh Mã Pí Lèng. Để vượt bức tường đá này cần xây dựng một đường đèo men theo vách núi ở độ cao khoảng 1.600m. Tuy nhiên, khó khăn đến mức trong giai đoạn đầu nhằm mở một vỉa đường nhỏ mang tên “đường công vụ” rộng khoảng 40 cm trên vách đá (để công nhân về sau có chỗ đặt chân trên đó thi công phá đường rộng ra), 17 thanh niên trong đội cảm tử (giai đoạn này gọi là “Đội Cơ Dũng”) phải treo mình bằng dây trên các vách đá ròng rã trong 11 tháng ***c đẽo hoàn toàn bằng bàn tay trần và những phương tiện thủ công. Nhằm thể hiện lòng quyết tâm và tinh thần đối diện với hiểm nguy, các công nhân đã đặt tại lán của mình 10 chiếc quan tài và truy điệu sống trong từng ngày làm việc. (trích tài lệu từ internet).
Điểm chụp hình quen thuộc mà các bạn thấy từ đỉnh đèo xuống duới vực sâu là sông Nho Quế như xẻ đôi một bên là đỉnh Mã Pí Lèng và một bên là Săm Pun chính là vết nứt điạ lý độc đáo 426 triệu năm cuả dãy cao nguyên đá ấn tuợng này.
Mình không muốn tham gia tranh cãi vào chuyện một số thanh niên viết chữ khắc tên lên khoảng tường mới xây của điểm tham quan đèo. Chỉ cần luợc lại sử tích, tự những người văn minh sẽ biết cách ứng xử thế nào cho phải.
Từ đỉnh đèo, bạn đi tiếp xuống chừng 8-9km gì đó sẽ thấy một lối rẽ trái nhỏ. Nếu thích xuống thăm Nho quế và cửa khẩu biên giới thì bạn cứ thử trải nghiệm. Nếu không, bạn hãy đi tiếp để tới Mèo Vạc và để đến với chợ tình nổi tiếng Khâu Vai.
Mèo Vạc là một huyện như cái rốn bao quanh bởi mé tây giáp Đồng Văn Yên Minh, biên giới giáp Trung Quốc và phiá Nam là Bảo Lâm Cao Bằng.
Nếu mà nói về tam giác mạch thì cá nhân mình thấy hoa ở đây có vẻ đượm sắc hơn hẳn bên Phó Bảng, Sà Phìn.
Mình chưa từng léng phéng đi chợ Khâu Vai vào trúng phiên chợ tình truyền thống nhưng trúng phiên chợ gia súc thì có 1 lần. Đây là một nơi mà tiếng lục lạc, chuông đeo cổ bò cổ trâu rung roeng xuyên qua lớp mũ bảo hiểm moto vui tai cũng khiến mình muốn dừng chơi một chút.
Ngôì làm miếng xôi màu sắc ở đầu chợ huyện cũng chứng kiến khối cái hay ho.
Bạn đừng có ngạc nhiên khi đi đường thấy có anh chàng nào đó tóc tai xơ xác nằm vật giưã đường. Nhìn bên cạnh có chiếc xe máy đỏ chót hoặc một con ngựa bé tí teo tha thẩn bên cạnh. Anh nào hay ho thì có một cô dân tộc cặm cụi ngồi khâu túi thổ cẩm bên cạnh chốc chóc lại lấy cành cây xua… ruồi bu trên mặt chàng. Cứ đến gần đảm bảo bạn sẽ tìm thấy bên cạnh sẽ có một cái chai xanh xanh dang uống dở….
Trên này dân họ thật thà, đàn ông uống rượu say đâu là nằm vật ra đấy, chẳng ai lấy đi đồ nào cuả họ cả. Nếu ông chồng say, cô vợ sẽ không lay gọi mà ngôì ngay đó chờ cho đến khi tỉnh. Họ quan niệm là lay chồng dậy giưã chừng sẽ bị ma rừng bắt đi hoặc Giàng trừng phạt. Họ sẽ chờ dù chợ chiều đêm xuống cũng chẳng là gì. Tình ơi là lãng mạn ơi các anh chị tộc Kinh học được gì không ạ?
Mình từng kể trên một stt cách đây ít lâu một chuyện như ma chính là từ một vùng ở huyện này.
Lần đó đang ngồi trên ôto đi qua một đoạn đèo nhỏ. Thấy có 1 gã mặc đồ Mông đen, 1 tay xách tuí to, 1 tay cầm chai rượu vai đeo túi nhỏ đứng lề đường cuời cười vẫy vẫy. Kinh nghiệm cho thấy là hắn xin đi nhờ xe ra thị trấn xa. Ngại người lạ và hay dễ có mang thuốc phiện nên mình lờ đi qua luôn. Qua một khúc cua lại thấy có gã tương tự đứng bên lề đường cười cười đưa tay vẫy. Mình cũng bỏ qua nốt và đi tiếp. Đổ dốc qua một hai khúc ngoặt nữa lại thấy…. có gã tương tự đứng bên lề đường cười cười đưa tay vẫy. Nhìn kỹ hơn thì đúng là gã ban nãy, sao nó chạy kiểu gì mà vuợt được oto mà mình không thấy nhỉ. Hết hồn nghĩ sao có chuyện đó, ma giưã ban ngày được sao. Không lẽ chuyện ma mị vùng biên cương mình vẫn hay nghe là có thật.

[center]Hà giang ký sự của anh Trần Lập (p2) [/center]

Mình và mấy anh em tỉnh cả ngủ cứ đi tiếp xuống dốc và ôm cua. Chợt nhìn guơng chiếu hậu. Hoá ra thấy cậu chàng xoài người tụt xuống dốc cắt đầu trước xuống dưới. Xe mình thì đi chậm ôm cua xuống là thấy cậu tới nơi rồi. Thánh thần thật. hahaha.
Rồi. Tới đây thì dân biker tham lam sẽ chọn đi tiếp qua Bảo Lâm bảo Lạc sang Cao Bằng tham quan Đông Bắc hoặc rẽ lối về Yên Minh để trở ngược lại tp Hà Giang khép tròn cung đường. Còn một lối nưã qua Bắc Mê và mặt đường rất thách thức cho các tay lái. Với hành trình 4 ngày 3 đêm thì bạn nên quay lại Tp Hà Giang hoặc tuột xuống Tuyên Quang mà nghỉ đêm rồi hôm sau về HN cho khoẻ người.
Nói chung là chuyện về vùng cao thì kể sao cho hết.
Mới tản mát qua về cung cơ bản mà đã dài lắm lắm rồi.
Thôi một lần nưã lại nói rằng bạn cần phải tự đi, tự nếm và tự thấy những điều đẹp đẽ ngoài ấy.
Đừng lo chuyện du lịch là tốn tiền vì tiền ở vùng cao nhiều chỗ cũng chẳng mua được gì sất. Còn thời gian có tốn một tí thì thực ra lại là cái được khi mà bạn còn có sức mà đi. Sau này về già quá, muốn đi đâu đó mà không còn sức thì tiền gom góp cả đống cũng không mua được thời gian.
( Nhắc lại nhé: Bài này dành cho các bạn sắp đi lần đầu hoặc đã từng đi mà chưa được tận hưởng là mấy. Không nhất thiết phải đi ngay cho kẹt xe tắc đường và khốn khổ dời ơi đất hỡi. Nhưng cứ save lại coi như chút quà được cho mà dùng dần vậy)
Sau cùng tặng các bạn ca khúc này cho hành trình mà bạn sẽ đi:
http://mp3.zing.vn/bai-hat/Men-Say-B-c-T-ng/ZW6FODIF.htmlhttp://mp3.zing.vn/bai-hat/Men-Say-B-c-T-ng/ZW6FODIF.html

Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan


Về tác giả
trần tuyết lan
Trang cá nhân: giaitriviet
Gửi tin nhắn