Những tên gọi của Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử

Ngày đăng: 25/12/2014
Thăng Long-Hà Nội là kinh đô lâu đời nhất trong lịch sử Việt Nam. Trước khi trở thành kinh đô của nước Đại Việt dưới triều Lý (1010), mảnh đất địa linh nhân kiệt này đã từng là trọng trấn của phong kiến phương Bắc (nhà Tùy 581-618, nhà Đường 618-907). Từ khi hình thành cho đến nay, Thăng Long-Hà Nội có nhiều tên gọi khác nhau được chép trong sử sách Nhà nước Việt Nam:


[red]1 - Long Đỗ: [/red] Truyền thuyết kể rằng, lúc Cao Biền nhà Đường, năm 866, đang đắp thành Đại La, phát hiện thần nhân hiện lên tự xưng là thần Long Đỗ. Do vậy, sử sách thường gọi Thăng Long là đất Long Đỗ.

[red]2 - Tống Bình: [/red]Tống Bình là tên đất trị sở của thế lực đô hộ phương Bắc thời Tùy (581-618), Đường (618-907). Trước đó, trị sở đô hộ phương Bắc đóng ở vùng Long Biên (tức Bắc Ninh ngày nay), đến đời Tùy, mới chuyển đến Tống Bình.

[red]3 - Đại La:[/red] Theo kiến trúc xưa, kinh đô bao giờ cũng có "tam trùng thành quách": trong cùng là Tử cấm thành (bức thành màu đỏ tía) nơi vua và hoàng tộc ở, giữa là Kinh thành và ngoài cùng là Đại La thành. Năm 866, Cao Biền bồi đắp cho Đại La thành rộng và vững chãi hơn trước. Từ đó, có tên gọi thành Đại La. Bởi thế, trong Chiếu dời đô của vua Lý Thái Tổ (1010) có viết: "... Huống chi thành Đại La, đô cũ của Cao Vương (tức Cao Biền) ở giữa trời đất...".

[red]4 - Thăng Long: [/red]Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Mùa thu, tháng 7 năm Canh Tuất (1010), vua từ thành Hoa Lư dời đô ra Kinh phủ thành Đại La, tạm đỗ thuyền dưới thành, có rồng vàng hiện lên ở thuyền ngự, nhân đó đổi tên thành gọi là thành Thăng Long". Đây là tên gọi có tính văn chương nhất, gợi cảm nhất trong các tên về Hà Nội.

[red]5 - Đông Đô:[/red] Sách "Đại Việt sử ký toàn thư" chép: "Mùa hạ tháng 4 năm Đinh Sửu (1397) lấy Phó tướng Lê Hán Thương (tức Hồ Hán Thương) coi phủ đô hộ là Đông Đô". Trong "Khâm định Việt sử thông giám cương mực" có giải rõ: "Đông Đô tức Thăng Long, lúc ấy gọi Thanh Hóa là Tây Đô, Thăng Long là Đông Đô".

[red] 6 - Đông Quan:[/red] Quan quân nhà Minh gọi Thăng Long là Đông Quan với hàm nghĩa kỳ thị Kinh đô của nước ta chỉ được ví là "cửa quan phía Đông" của Nhà nước phong kiến Trung Hoa. Theo sử sách, năm 1408, quân Minh sau khi đánh bại cha con Hồ Quý Ly đã đóng đô ở thành Đông Đô, đổi tên thành Đông Quan.

[red]7 - Đông Kinh: [/red]Thời Lê, vì Thanh Hóa có Tây Đô, cho nên gọi thành Thăng Long là Đông Kinh.

[red]8 - Bắc Thành:[/red] Đời Tây Sơn (1787-1802) vì kinh đô đóng ở Phú Xuân (Huế), nên gọi Thăng Long là Bắc Thành.

[red]9 - Thăng Long:[/red] Năm 1802, vua Gia Long quyết định đóng đô ở Phú Xuân (Huế), không ra Thăng Long. Tên Thăng Long đã có từ lâu đời, nên Gia Long thấy không tiện bỏ đi, vẫn giữ tên Thăng Long, nhưng đổi chữ Long là Rồng thành chữ Long là thịnh vượng, lấy cớ rằng rồng là tượng trưng cho nhà vua, nay vua không ở đây thì không được dùng chữ Long là rồng. Việc thay đổi nói trên xảy ra năm 1805.

[red]10 - Hà Nội:[/red] "Năm 1831, vua Minh Mạng đem kinh thành Thăng Long cũ hợp với mấy phủ huyện xung quanh như huyện Từ Liêm, phủ Ứng Hòa, phủ Lý Nhân và phủ Thường Tín lập thành tỉnh Hà Nội, lấy khu vực kinh thành Thăng Long cũ làm tỉnh lỵ của Hà Nội".



Ngoài những tên chính quy được chép trong sử sách do các triều đại phong kiến Nhà nước Việt Nam đặt ra, Hà Nội còn có những tên gọi không chính quy được dùng trong văn thơ, ca dao... như:

[yellow]1 - Trường An[/yellow] (Tràng An): Trường An là tên kinh đô của hai triều đại phong kiến thịnh trị vào bậc nhất của Trung Quốc. Tiền Hán (206 trước Công nguyên-8 sau Công nguyên) và Đường (618-907), được các nhà Nho nước ta sử dụng như một danh từ chung chỉ kinh đô, thí dụ: Chẳng thơm cũng thể hoa nhài Dẫu không thanh lịch cũng người Trường An. Chữ Trường An ở đây chỉ kinh đô Thăng Long.

[yellow]2 - Phượng Thành (Phụng Thành): [/yellow]Đầu thế kỷ 16, Trạng nguyên Nguyễn Giản Thanh, người Bắc Ninh, viết bài phú Nôm nổi tiếng "Phượng Thành xuân sắc phú" tả cảnh sắc mùa xuân ở thành Phượng tức thành Thăng Long đời Lê. Phượng Thành hay Phụng Thành được dùng trong văn học nước ta để chỉ thành Thăng Long.

[yellow]3 - Long Biên:[/yellow] Long Biên vốn là vùng đất phát triển của nước ta, là nơi quan lại nhà Hán đóng nhiệm sở ở Giao Châu (tên nước ta lúc bấy giờ).

[yellow]4 - Long Thành:[/yellow] Long Thành là tên viết tắt chỉ kinh thành Thăng Long. Nhà thơ Ngô Ngọc Du, sau chiến thắng Xuân Kỷ Dậu (1789) có viết bài Long Thành quang phục kỷ thực ghi chép việc khôi phục Long Thành tức thành Thăng Long thời Tây Sơn.

[yellow]5 - Hà Thành:[/yellow] Tên Hà Thành được dùng nhiều trong thơ ca để chỉ Hà Nội như bài Hà Thành chính khí ca của Nguyễn Văn Giai, Hà Thành hiểu vọng của Ba Giai, v.v...

[yellow]6 - Hoàng Diệu: [/yellow]Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhiều bài báo đã sử dụng tên Hoàng Diệu để chỉ Hà Nội, tưởng nhớ đến tấm gương lẫm liệt của vị tổng trấn Hoàng Diệu. Thực ra, còn nhiều từ được dùng trong dân gian để chỉ Thăng Long-Hà Nội như: Kẻ Chợ (Khéo tay hay nghề, đất lề Kẻ Chợ); Kinh Kỳ (Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì phố Hiến). Thượng Kinh (Chẳng thơm cũng thể hoa nhài, Chẳng lịch cũng thể con người Thượng Kinh)...

Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan