Cùng tham quan di Sản Thế Giới Thành Nhà Hồ

Ngày đăng: 25/12/2014
hành nhà Hồ - kiến trúc thành lũy bằng đá độc nhất vô nhị ở tỉnh Thanh Hóa đã trở thành niềm tự hào của Việt Nam khi trở thành Di sản văn hóa thế giới năm 2011. Với nhiều tên gọi khác nhau như thành Tây Đô, thành An Tôn, thành Phủ Thanh Hóa nhưng phổ biến nhất là thành nhà Hồ, công trình này sau hơn 600 năm thăng trầm lịch sử vẫn còn hiện diện uy nghi với các tường thành và cửa thành bằng đá sừng sững.
[center]
Cùng tham quan di Sản Thế Giới Thành Nhà Hồ
[/center]
Lịch sử ra đời của thành nhà Hồ gắn với những biến cố trọng đại của lịch sử Việt Nam vào cuối thế kỷ 14. Lúc này mô hình nhà nước quân chủ quý tộc Phật giáo thời Trần đang lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng.

Để cứu nguy đất nước và tiến hành triệt để cải cách đổi mới đất nước, đại thần của nhà Trần là Hồ Quý Ly, với trọng trách là Phụ chính Thái sư nhiếp chính, đã quyết định xây dựng kinh đô mới ở Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Theo các tài liệu sử sách ghi lại thì ngôi thành bằng đá hoành tráng này được hoàn thành trong khoảng thời gian 3 tháng, để rồi chính nơi đây đã trở thành kinh đô của nước Đại Ngu những năm đầu thế kỷ 15 (1400-1407) và chứng kiến sự hình thành cũng như tan vỡ của triều đại nhà Hồ.

[center]Cùng tham quan di Sản Thế Giới Thành Nhà Hồ [/center]

Mặc dù chỉ tồn tại một khoảng thời gian ngắn ngủi trong lịch sử dân tộc, nhưng triều đại nhà Hồ đã để lại cho kho tàng nghệ thuật kiến trúc Việt Nam một công trình đặc sắc là thành đá nhà Hồ. Bức tường thành đồ sộ với chu vi hơn 3km, chiều cao trung bình 5-6m, có chỗ cao tới 10m là một bằng chứng về sức lao động vĩ đại và tài năng tiềm tàng của nhân dân Việt Nam, là sự phản chiếu về một triều đại – triều đại nhà Hồ – với nhiều dấu ấn đậm nét.

[center]Cùng tham quan di Sản Thế Giới Thành Nhà Hồ [/center]

Tòa thành được xây dựng giữa một vùng đồng bằng trung du rộng lớn và bằng phẳng, có diện tích khoảng 10.000ha, được sông Mã bao bọc ở phía Tây-Nam và sông Bưởi uốn quanh ở phía Đông-Bắc. Thành Nhà Hồ hiện còn nguyên vẹn cấu trúc của một kinh thành kiểu phương Đông điển hình với những nét độc đáo của kiến trúc đô thành Việt Nam vào cuối thế kỷ 14. Thành Nội hình vuông với bốn bức tường xây bằng những khối đá khổng lồ phía ngoài và một lũy đất kiên cố bên trong. Một hào nước rộng bao quanh bốn mặt thành, nay đã bị điền đầy, chỉ còn sót lại vài đoạn có nước và những cánh ruộng trũng xung quanh.

Bốn cửa thành hình vòm cuốn đồ sộ, được mở ra ở chính giữa bốn tường thành, với cửa thành phía Nam có ba lối vào. Một đường trục chính chạy từ cửa Bắc xuống cửa Nam và tiếp tục kéo dài bằng con đường Hoa Nhai, dài tới 3km, để nối với núi Đún, nơi có đàn Nam Giao (đàn tế Trời). Điểm lý thú là đường trục này nằm theo một hướng lệch về phía Tây gần 45º. Theo đó, tòa thành cũng có các góc vuông quay theo các hướng chính Bắc – Nam – Đông – Tây. Kiến trúc sư đã có một sáng tạo tuyệt vời khi chọn núi Thổ Tượng phía Bắc làm hậu chẩm, núi Đún phía Nam làm tiền án. Núi An Tôn phía Tây, núi Hắc Khuyển phía Đông cùng với sông Mã và sông Bưởi, tạo nên một hình thế che đỡ, vây bọc cho tòa thành ở vị trí trung tâm.

Về phía Nam thành, một đàn tế Nam Giao uy nghi, rộng lớn được xây dựng trên sườn núi Đún. Đây là nơi tế trời, một trong những nghi lễ quan trọng của một kinh thành phương Đông, nhằm cầu cho đất nước thịnh vượng, vương triều bền lâu.

Bao bọc và bảo vệ cho toàn bộ kinh thành là một vòng thành, gọi là La thành. Một vòng La thành hùng vĩ dài tới gần 30km đã được xây dựng theo cách đó để ôm trọn cả kinh thành rộng lớn.

Tường thành Nội cho thấy một sự kết hợp rất tài tình các kiến thức xây dựng của cả Đông Á và Đông Nam Á lẫn các kinh nghiệm của người Việt. Từ bên ngoài, có thể thấy toàn bộ các bức tường của tòa thành được xây bằng các khối đá khổng lồ, có hình khối chữ nhật hoặc gần vuông, xếp không trùng mạch theo hình chữ “I”. Trên thực tế, tường thành được cấu tạo bởi ba lớp gắn kết chặt chẽ với nhau bằng một kỹ thuật xây dựng đặc biệt. Lớp ngoài được xây dựng bằng những khối đá vôi lớn, được đẽo gọt và ghép một cách tài tình. Lớp giữa (lõi tường) được đắp bằng các khối đá rời tự nhiên, chèn ốp bên trong theo từng lớp đá bên ngoài. Lớp trong là lũy đất đắp bằng đất sét trộn cát sỏi, nện kỹ từng lớp. Cứ dày khoảng 60-70 cm lại có một lớp cát mỏng trộn với sỏi. Mặt thành được xây thêm gạch và những ụ bắn.

Ngày nay, có thể thấy được mặt thành còn rộng chừng 4-5m, thoải dần vào phía trong. Tại một điểm ở thành phía Đông, độ dày đo được dưới chân tường thành là 21,36 m. Các kết quả nghiên cứu cho thấy để xây dựng tòa thành đá khổng lồ, người xưa đã sáng tạo một loạt biện pháp liên hoàn, vận trù vô cùng khoa học: Từ việc khai thác đến việc gia công các khối đá lớn; xây dựng đường vận chuyển đá, sáng tạo hệ thống băng truyền gồm các viên bi đá và các con lăn, kỹ thuật nâng các khối đá khổng lồ từ mặt đất xây cao dần lên tới độ cao trên 10m, căn chỉnh đặt ghép chuẩn xác đảm bảo cả yêu cầu kỹ thuật quân sự lẫn yêu cầu thẩm mỹ, đảm bảo độ chuẩn xác cao.

Các cửa thành là những tác phẩm đặc sắc của kĩ thuật xếp đá, có độ chính xác cao, tạo nên nét đặc sắc của tòa thành. Các cửa đều được xây theo kiểu vòm cuốn. Bên dưới đặt những khối đá lớn làm nền, các khối đá hình chữ nhật xếp bên trên tạo thành thân cửa. Phần vòm cửa được xây bằng các viên đá được chế tác hình múi bưởi (hay hình nêm), tạo nên phần vòm cuốn hình bán viên. Trong khi ba cửa khác chỉ có một vòm, Cửa Nam được xây dựng lớn nhất, mở ba vòm cửa.

Cùng với những sáng tạo mới trong kĩ thuật xây dựng, nghệ thuật trang trí kiến trúc ở Thành Nhà Hồ phát triển những yếu tố mới, trên cơ sở kế thừa truyền thống nghệ thuật ở Thăng Long thời Lý-Trần. Lối trang trí diềm mái kiến trúc với các đầu ngói ống trang trí hình rồng cuộn, gắn thêm các lá đề cân xứng in hình đôi rồng chầu, các khối tượng rồng, phượng và các hình lá đề lệch trên bờ nóc kiến trúc, tượng uyên ương trang trí trên bờ dải… vẫn tiếp tục truyền thống Thăng Long.

Với những dấu tích còn lại, thành nhà Hồ là di sản nổi bật về sự hòa hợp của các nền văn hóa trong quá khứ cũng như phản ánh sự trao đổi quan trọng các giá trị của văn hóa phương Đông. Đó là việc lấy kiến trúc để thể hiện tư tưởng vương quyền theo kiểu Đông Á và ý chí cải cách theo xu thế thời đại, khai thác các yếu tố cảnh quan thiên nhiên, kết hợp và sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam trong việc quy hoạch không gian và thiết kế các yếu tố kiến trúc của một kinh thành quân chủ tập quyền kiểu Đông phương vào cuối thế kỷ 14 – đầu thế kỷ 15.

Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan