Người mẫu Lê Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày 4: Đến với Bức Tường Việt Nam (tiếp)

Ngày đăng: 25/12/2012

[red][IMG alt=Nguoi mau Le Trung Cuong: Nhat ky tham hiem Son Doong ngay 4: Den voi Buc Tuong Viet Nam (tiep)]http://dep.com.vn/Uploaded/lemyhanh/2015_06_09/-doi-giay.jpg[/IMG][/red]
[i][center] Ngoài các dụng cụ bảo hộ quan trọng khác thì đôi giày là thứ quan trọng nhất trong cả chuyến đi này. Nó sẽ theo bạn gần 40km đường rừng và 20km vách núi lởm chởm đá vôi sắc nhọn[/center][/i]

Đường ra khỏi đoạn hang tối cũng chính là đường dốc dần leo lên ngọn núi ở giữa hố sụt 2. Ơn trời là đoạn dốc này tuy dài nhưng lại có thể leo khá thoải mái vì không dựng đứng nguy hiểm như “ngọn núi” tại Doline 1. Đường leo thực ra vẫn là các “cánh quạt” thạch nhũ khổng lồ trải rộng như ruộng bậc thang Sapa, trên đó phủ đầy đất và phân dơi mềm mịn. Với ánh sáng từ miệng hố sụt rọi xuống, dương xỉ lẫn cây bụi đã không bỏ lỡ cơ hộ phủ xanh toàn bộ khu vực này. Tôi trượt chân hai lần trên đoạn này, khi mải ngắm màu xanh của thảm thực vật nơi đây và có lần bước nhầm vào nơi thạch nhũ trơn trợt, mông nện xuống đá, trượt thêm vài bậc nữa mới dừng lại, đau ê ẩm! May mắn là đoạn này không có vực sâu và ít dốc, lại có phân dơi phủ nên không có nhiều cạnh đá sắc nhọn, không thì chắc cái mông của tôi đã bị cào nát bươm, bị băm nhỏ ra và vĩnh viễn nằm lại nuôi cây cỏ trong hang rồi.

Mọi người dừng lại nghỉ lấy sức ở lưng chừng đường leo lên đỉnh núi, trước khi tiến ra giữa hố sụt và leo lên đỉnh “ngọn núi” này để tiến về phía bên kia. Nơi cả đoàn dừng chân lấy sức cũng là nơi khu phân dơi phủ kín và tiếp giáp với phần đá vôi nhọn lởm chởm. Ngay lúc này, lần đầu tiên trong đời tôi nhìn thấy một con vắt đang lủng lẳng hút máu người. Cảm giác ớn lạnh chạy dọc sống lưng tôi khi Ruth (bà chuyên gia người Anh) cởi găng tay, con vắt lủng lẳng ở gần cổ tay bà to bằng con nhộng, mềm nhũn, màu đỏ bầm. Bà bình tĩnh dứt nó ra khỏi tay rồi vò vò lại trong lòng bàn tay. Máu từ vết cắn vẫn chảy. Bà cho biết nó đã chui vào găng tay lúc bà cởi ra ăn trưa ở Doline 1. Ngay lập tức, mọi người ai cũng cởi găng, cởi nón, cởi giày, cởi vớ ra, tự kiểm tra ống quần lẫn ống tay áo, cổ hay nách - nơi ưa thích của vắt. Cảm giác lần đầu bị chạm trán vắt rừng thật khó quên!

14 giờ 15 phút, cả đoàn trèo lên đến đỉnh “ngọn núi”, xuyên qua rất nhiều cây rừng đổ ngã từ trên đỉnh hố sụt xuống những khối đá vôi sắc như dao bên dưới.

Ai cũng thở hồng hộc và mồ hôi chảy nhễ nhại. Ba ngày leo trèo ở nơi mà cả nhóm vẫn bảo là hoàn toàn không thuộc về trái đất, có lẽ đã khiến mọi người đang cạn dần năng lượng. Từ trên đỉnh khối đất đá này, tôi có thể thấy hố sụt 2 là nơi giao nhau của các nhánh hang, cả nhóm vừa thoát ra khỏi một nhánh nối với hố sụt 1, và chuẩn bị xuống một nhánh khác nối với Bức Tường Việt Nam. Nhánh còn lại là của một hang khác dài chừng 200m, không nằm trong chương trình thám hiểm lần này. Một lần nữa tôi lại bắt gặp loài cây mình đã lấy mẫu tại hố sụt 1, nó cũng chỉ xuất hiện ở đúng khu vực ngay giữa trung tâm hố sụt, trên các gờ của đá vôi có ánh sáng yếu.

Và khi Deb chỉ tay về phía bãi tập kết đang nghi ngút khói bếp do các porter đến trước nấu ăn nằm lọt thỏm trong lòng miệng hang khổng lồ, ở sườn bên kia của “ngọn núi”, thì ai cũng thở phào nhẹ nhõm.

14 giờ 45 phút, tôi đã leo xuống đến chân “ngọn núi”, sau khi lại trượt té một phát khá đau ở đoạn dốc trơn trượt, lưng đập thẳng và kéo lê trên mặt đá. May mắn là không có khối đá sắc cạnh nào ở gần đó và cái balo trên lưng đã hứng trọn phần tiếp xúc với đá. Bãi tập kết đã được các porter dựng lều sẵn, nằm trên một dải cát trắng tinh bên trái miệng hang, sát vách đá dựng đứng. Các porter đang chuẩn bị bữa ăn tối.

Mọi người ai cũng mệt lả và lờ đờ run rẩy vì mất nước. 10 người trong đoàn tìm ngay lều có tên mình và nằm vật ra thở mà chẳng buồn cởi giày hay thay đồ. Bamboo cho biết mọi người có khoảng 30 phút nghỉ ngơi trước khi bắt đầu đi tiếp đến điểm cuối của hành trình trong buổi chiều, Great Wall Of Vienam (Bức Tường Việt Nam).
Deb khuyên mọi người nên để tất cả hành lý lại lều, trừ nón bảo hộ, máy ảnh và chân đế tripod. Nhưng có thể chẳng cần Deb khuyên thì mọi người đều tự động vất tất cả lại, vì chẳng ai còn tí năng lượng nào để mang vác bất cứ cái gì nữa cả, kể cả chai nước uống. Hành trình tiếp theo kéo dài khoảng hai tiếng, đoạn đầu sẽ khá bằng phằng, trong khi nửa sau bùn sẽ ngập đến đầu gối. Ai mệt có thể ở lại lều để chờ cả đoàn quay về ăn tối.

[center][IMG alt=Nguoi mau Le Trung Cuong: Nhat ky tham hiem Son Doong ngay 4: Den voi Buc Tuong Viet Nam (tiep)]http://dep.com.vn/Uploaded/lemyhanh/2015_06_09/mo-hinh-hang-son-doong.jpg[/IMG][/center]
[i][center]Mô hình hang Sơn Đoòng. Doline là các hố sụt tự nhiên, nơi trần hang rớt xuống tạo ra lỗ mở thông ra với bầu trời bên ngoài.
[/center][/i]
Bức Tường Việt Nam – thử thách cuối cùng của Sơn Đoòng

15 giờ 15 phút, cả đoàn bắt đầu tiến sâu vào hang, không ai muốn nghỉ lại lều dù đã rất mệt. Lòng hang cực rộng, đoạn rộng nhất lên tới 150m, gấp rưỡi chiều dài của sân bóng đá. Trần hang cao chót vót. Có đoạn tôi đã thử gộp 3 đèn trên 3 mũ bảo hộ lại vẫn không tài nào soi đến trần hang. Nền hang thì toàn cát và đá tạo thành bởi dòng nước trên trần hang nhỏ xuống mang theo các hạt đá vôi li ti. Tất cả đều có màu vàng đậm. Khi tiến vào hơn 200m thì ánh sáng ở khu vực Doline 2 cũng tối dần, những khối thạch nhũ khổng lổ hiện ra sừng sững chắn trước lối đi của cả đoàn. Khối mọc từ dưới nền hang hướng lên , khối lại treo lơ lửng từ trần hang hướng xuống và chỉ cách nền hang vài chục cm, thật kỳ diệu!

Hang Sơn Đoòng không giống hang Phong Nha, nơi mang trong lòng vô số thạch nhũ nhỏ. Các khối thạch nhũ trong lòng hang Sơn Đoòng rải rác và khổng lồ. Hai bên vách hang cũng là hai bức tường thạch nhũ khổng lồ trải từ trần hang xuống tận sàn hang xuyên suốt chiều dài của hang.

Cả nhóm dừng lại chụp hình với các khối thạch nhũ. Hai anh chàng đến từ Mỹ và Mexico vật lộn setup lấy sáng chậm cho hai máy ảnh pro với chân đế tripod, 7 bạn còn lại thì phải đứng bất động vài chục giây để các đèn trên mũ bảo hộ liên tục chiếu sáng cho hai anh chụp hình. Bamboo và Ruth thì phải cật lực quơ quơ đèn cao áp rọi khắp vách hang để painting cho tấm ảnh (theo lời Deb). Tôi ung dung dùng iPhone6+ chụp lấy ngay tức thì, vì dù sao cũng chẳng có cái máy pro nào mang theo. Nghĩ tới việc trang bị một máy ảnh tốt kèm ống kính mắc tiền, rồi mang nó theo suốt hành trình lội nước, rồi va đập, rồi té lên té xuống như những ngày vừa qua thì tôi chắc mình sẽ rất nản, chưa kể trọng lượng của máy ảnh sẽ đè nặng thêm lên cái balo vốn đã nặng như khối đá trên lưng Tôn Ngô Không rồi. Thế nên tôi có lời khuyên với các bạn, hãy mang theo một cái iPhone đời mới nhất, thế là đủ, camera của nó chụp trong điều kiện thiếu sáng vượt xa mong đợi đấy.
Đáng sợ nhất với tôi là con Scary Scary Mary (một loài đặc hữu của Sơn Đoòng, chưa được xác định về mặt khoa học, tên nó do các nhân viên Oxalis đặt vui, tạm dịch là: Mary ghê rợn). Nó giống như bọ cạp, màu nâu như gián, có 8 chân mọc hai bên thân như rết, nhưng chân dài như chân nhện (toàn giống những loài đáng sợ). Nó to bằng bàn tay, bò nhanh như nhện, và không hề gây ra tiếng động nào cả. Cứ thử tưởng tượng giữa bóng tối đen đặc, và đèn của bạn thì vừa quét qua một con nhện to như bàn tay bò lướt qua êm ru giữa hai chân mình. Cảm giác thật là...

[center][IMG alt=Nguoi mau Le Trung Cuong: Nhat ky tham hiem Son Doong ngay 4: Den voi Buc Tuong Viet Nam (tiep)]http://dep.com.vn/Uploaded/lemyhanh/2015_06_09/Trung-Cuong-Son-Doong.jpg[/IMG][/center]
[center][i]Trung Cương và các thành viên trong đoàn[/i][/center]

3 giờ 30 phút, mọi người bắt đầu tiến vào khu vực sình lầy dẫn vào Bức Tường Việt Nam. Byliana quyết định quay về, cô không thích sình lầy. Bamboo tình nguyện đưa nàng về lại khu lều. Đường vào nửa sau của hang đột ngột thay đổi địa hình. Tại đây, đường đi bỗng thấp xuống khoảng 2m cao độ so với nửa đầu. Hai vách hang thu hẹp khoảng cách lại. Thạch nhũ ở hai bên vách hang dày đến mức nó tràn ra giữa, giao nhau, và tạo thành hình phễu. Ở giữa là một rãnh nước nhỏ đầy sình, rộng khoảng 30cm, sình có khi cạn có khi cao đến hơn đầu gối. Tôi nhìn thấy khá nhiều áo phao, và hai chiếc thuyền kayak để sẵn ở khu vực tiếp giáp. Theo lời Quang porter thì thuyền và áo phao để dành cho mùa mưa khi nước lên, khách sẽ dùng để vào đến đoạn cuối hang theo dòng nước dâng lên.

Cả nhóm bì bõm bò xuống và lội dưới rãnh sình nằm giữa hai vách hang, hai tay chống vào hai bức tường thạch nhũ khổng lồ hai bên để giữ thăng bằng. Thỉnh thoảng lại có nhóm rẽ lạc hướng (vì dòng nước sình dưới chân có khi lại chẻ ra nhánh khác) và Deb lại hướng dẫn quay về.

Cuối đoạn đường sình lầy ấy hiện ra một vách chắn vĩ đại. Mọi người trèo lên một bãi sình dẻo quẹo để nghỉ và chụp ảnh. Trước mắt cả đoàn chính là Bức Tường Việt Nam, điểm cuối của hang Sơn Đoòng.

Bức Tường Việt Nam thực ra là vách chắn cuối cùng của hang, được thạch nhũ bao phủ toàn bộ từ trên đỉnh xuống đến chân, cao hơn 100m. Trên bức tường có một lỗ nhỏ thoát ra ngoài (cũng giống như lỗ vào của Sơn Đoòng), nằm ở độ cao hơn 80m từ đáy hang. Có một sợi dây được thả xuống từ lỗ này, và nó treo lơ lửng giữa trời chứ không dựa vào vách đá như sợi dây an toàn ở chỗ vào. Đây cũng chính là cửa ra cuối cùng của Sơn Đoòng.

Theo lời Deb, lỗ ra này cách đường lộ chỉ hơn 500m nhưng địa hình cực kỳ khó đi nên nó chỉ được dùng khi tiếp tế các vật dụng cấp cứu hay trong tình huống khẩn cấp. Trong khi lối ra khỏi hang còn lại cách đó hơn 5km (trong lòng hang) và phải đi thêm gần 20 km đường rừng nữa mới ra đến đường lộ. Khách cũng gần như không thể tiếp cận hang theo lối này, vì địa hình hiểm trở bên ngoài, và lỗ thì nằm lơ lửng giữa trần hang, hoàn toàn không có điểm bám víu để leo xuống.

Bữa tối

Mọi người quay về lại khu vực tập kết sau khi đã bì bõm lội ra theo đúng đường cũ. 6 giờ 30 phút, bữa ăn tối bắt đầu, thức ăn khá ngon. Có lẽ đã qua ngày quan trọng nhất của cả hành trình mà không có ai gặp vấn đề trầm trọng nên mọi người cũng khá thư giãn. Trong bữa tối, Biliana đã gọi rượu đế chú Thủy mang theo là happy water khi đã ngà ngà say, khiến tôi được một trận cười vỡ bụng.

Tôi tranh thủ ngủ một giấc ngay sau bữa ăn dù người vẫn đầy sình đất và mồ hôi. Bộ đồ sạch cuối cùng còn lại phải để dành cho ngày mai, vì còn đến 2 ngày nữa trước khi mọi người về lại với thế giới bên ngoài. Tôi bật dậy lúc 9 giờ, mọi người đang chơi bài tại bàn ăn. Trong lòng hang về đêm thật lạ, ngay cả tiếng hắt xì cũng vang đi vọng lại vài lần như tiếng bom nổ. Sau 4 ngày vật lộn với hành trình trong không khí đầy hơi nuớc lẫn mùi phân dơi, cái xoang mũi của tôi bắt đầu có vấn đề, khiến tôi hắt hơi liên tục. Hai cô bạn Arab cố nén tiếng cười mỗi lần tôi hắt hơi. Hòa với tiếng ngáy như máy nổ của anh chàng Mexico, cả hai thứ này trộn vào nhau rồi va đập vào vách đá, cứ như đến một hành tinh khác qua miệng hang rồi vọng đi vọng lại mấy lần, cuối cùng thì vang sâu đến tận cuối hang nơi có rất nhiều các em Scary Scary Mary.
Và tin đáng sợ nhất cuối ngày, trong bữa ăn tối, Hannan cho biết có một em Scary Scary Mary rất to định cư ở gần khu vực toilet của khu cắm trại! Đang ngồi thoải mái trên cái xô và em ấy thình lình nhảy xổ ra xuất hiện ngay trước mặt thì cảm giác đã phải biết!

P/s: Những yêu cầu đối với đôi giày theo bạn trong suốt hành trình này:

- Đế phải bám chặt vào mọi địa hình, nhất là mặt đá trơn trượt. Trong hơn 10 km trong hang tối không có phương tiện bảo hộ nào, đế giày gần như là thứ duy nhất bảo vệ tính mạng của bạn.

- Nhẹ: vì nó sẽ theo bạn hơn 12km mỗi ngày, chưa kể thêm trọng lượng của đôi vớ dày sũng nước và đầy sình đất.

- Thấm nước và mau khô: Hãy bảo đảm giày bạn có những lỗ thoát nước dưới đế, vì hơn một nửa hành trình bạn sẽ phải lội nước. Đêm sẽ là khoảng thời gian duy nhất trong ngày để bạn hong khô giày, và ngay sáng hôm sau, bạn sẽ phải tiếp tục lội nước

Đôi giày trong hình của tôi cực tốt cho việc đi bộ và lội nuớc, nhưng lại không đủ độ bám vào vách đá. Vài lần, nó suýt quăng tôi xuống các mỏm trong hang.

Source: Người mẫu Lê Trung Cương

Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan