Món ngon miền Nam. Part 2: Tiền Giang

Ngày đăng: 25/12/2012
Không phải chùm khế ngọt sau hè, chính những con ruốc nhỏ thân bằng cây tăm, trắng tươi, dập dìu trên đầu con sóng, bám víu cồn bãi nước lợ gần cuối mùa gió chướng (ra giêng) đã nhen nhúm trong mỗi người dân Tiền Giang một tình yêu quê nhà.

Bún gỏi già

Món ngon miền Nam. Part 2: Tiền Giang

Bún gỏi già cũng hao hao giống với bún mắm vì đều có chung nguyên liệu là mắm cá linh. Bún gỏi già có cái vị chua chua vì được nấu với nước me, những chú tép đỏ được lột kĩ trông thật hấp dẫn làm sau, ăn kèm với rau muống , bông chuối bào và đặc biệt là phải được ăn kèm với hẹ…món nước chấm đi kèm là nước cốt mắm cá linh nguyên chất tạo nên một mùi vị khó lòng nào có thể cưỡng lại được. Tớ và mấy nhỏ bạn thì cực kì kết món này, lần nào ăn xong thế nào cũng phải mua về cho cả gia đình cùng thưởng thức nữa .


Bánh vá (bánh giá)

Về Tiền Giang thì nhất định các bạn phải ghé qua Chợ Giồng thuộc Huyện Gò Công Tây để thưởng thức món bánh vá ( bánh giá) nổi tiếng ở đây...


Bánh được làm từ những nguyên liệu rất quen thuộc như là bột gạo, bột năng, gan heo, giá sống, dầu ăn... Cầu kỳ hơn thì thêm óc heo quậy tan vào trong bột.

[center]Món ngon miền Nam. Part 2: Tiền Giang [/center]

Bước chiên bánh là thú vị nhất, Bạn sẽ cho thật nhiều dầu vào chảo, ngập bánh và bắt lửa cho dầu sôi lên. Sau đó để giá sống, gan heo, tôm vào trong vá với số lượng tùy thích vào 1 chiếc vá, rồi múc bột cho ngập các loại nguyên liệu này và nhúng vá vào trong chảo dầu một lát để cho bánh dính kết lại rồi từ từ rút vá không ra. Ăn kèm với bánh vá không thể thiếu bún, rau sống, nước mắm tỏi ớt quen thuộc của vùng quê Miền Tây sông nước được. Ngoài ra, bánh vá còn có cả bánh chay được làm bằng đậu hũ, nấm rơm, nắm mèo... ăn kèo với nước tương tỏi ớt nữa. Các bạn muốn gọi là bánh giá hay bánh và đều được cả, gọi là bánh giá vì trong bánh có nguyên liệu là giá còn gọi là bánh vá vì dùng vá để chiên bánh và độ to - nhỏ của chiếc bánh đều phụ thuộc vào chiếc vá cả.


Hủ tiếu Mỹ Tho


Cũng như bún bò, phở hay các loại hủ tiếu khác, hủ tiếu Mỹ Tho gồm ba thành phần chính: sợi bánh bằng bột gạo, thịt và nước lèo. Sức hấp dẫn của hủ tiếu Mỹ Tho tùy thuộc vào tất cả các thành phần đó. Không thể nào có được một tô hủ tiếu ngon lành khi sợi bánh và thịt thì tuyệt hảo mà nước lèo lại nhạt thếch, hay nước lèo thì thanh dịu đậm đà, thịt mềm ngọt thơm mà sợi bánh lại mủn nát, gãy vụn rời rạc. Để có một tô hủ tiếu Mỹ Tho ngon lành cần phải hội đủ các điều kiện:

Món ngon miền Nam. Part 2: Tiền Giang

Trước hết là sợi bánh. Ngày xưa, bánh hủ tiếu Mỹ Tho chính hiệu con nai vàng phải được làm từ gạo thơm Gò Cát, trồng tại xã Mỹ Phong. Gạo Gò Cát còn là nguyên liệu làm bún, bánh tráng, bánh nghệ nổi tiếng trong vùng hơn nửa thế kỷ nay. Hủ tiếu ngon thường là bánh khô. Khi nấu, chúng được nhúng sơ qua nước sôi cho mềm và tươm thêm ít mỡ hành phi. Khi đó, sợi bánh hơi dai, hương vị thơm béo, khi nhai sẽ tạo thêm hứng thú thưởng thức thực phẩm.

Món ngon miền Nam. Part 2: Tiền Giang

Kế đến là nước lèo (nước dùng). Hủ tiếu, phở và hầu hết họ nhà bún... đều là các món canh độc lập. Nghĩa là ăn riêng, ăn một mình, không phải đóng vai tùy tùng của cơm như canh chua, canh rau. Hủ tiếu ngon hay không tùy thuộc việc pha chế nước lèo. Thùng nước lèo chứng tỏ tài nghệ của người thợ nấu hay đầu bếp. Tuyệt kỹ pha chế nước lèo của các lớp đầu bếp trứ danh ngày xưa đã định giành cho hủ tiếu Mỹ Tho một trong những vị trí hàng đầu bên cạnh các món quà trứ danh khác. Người ta không thể quên những người mở đường khai sinh cùng lớp kế thừa đã dương danh cho hủ tíêu đất Mỹ Tho như Phánh Ký, Nam Sơn, Tuyền Ký, và nay đã lan khắp hang cùng ngỏ hẽm, thậm chí vào cả các nhà hàng lớn với những biến tấu riêng tùy theo bí quyết người nấu...



Mới đầu, hủ tiếu Mỹ Tho chỉ có các phụ gia là thịt và lòng heo thêm con tôm bổ dọc bày trên mặt. Ðơn sơ mà ngon mắt. Cùng với thời gian, thích nghi theo hoàn cảnh, môi trường, các phụ gia có phần thay đổi. Người ta thêm thịt cua, sườn nhừ, trứng cút..., còn lòng, gan và thịt có phần giảm nhẹ. Thêm bớt này nhằm đáp ứng nhu cầu tạo khẩu vị mới lưu luyến cho người ăn. Hủ tiếu Mỹ Tho nêm nếm bằng nước tương và lúc đầu không ăn thêm rau chỉ có giá mà phải là giá sống. Sau này mới có đôi chút đổi thay. Lúc này, sợi bánh tíu vẫn là khô, trụng nước sôi cho mềm, ăn hơi dai. Nước lèo vẫn có mùi vị đặm đà khô mực nướng. Giá sống cùng tần ô (cải cúc) là rau.


Gia vị là ớt thái miếng và chanh. Các đặc điểm ấy nếu không còn, hẳn là nó biến thành món ăn khác mất rồi!. Chỉ khác đôi chút về cách ăn: khách có thể ăn chan nước lèo gọi là tiếu nước hay ăn khô trộn với sốt, kèm theo chén nước súp để riêng, gọi là tiếu khô. Hủ tiếu Mỹ Tho sau này di dời lên thành phố Hồ Chí Minh có đôi chút biến tướng: có thêm thịt cua biển với chiếc càng cua điểm hồng ú nần cùng đôi trứng cút trắng ngọc. Nước sốt màu nâu ửng đỏ rưới đều lên tô hủ tiếu. Những sợi bánh trước đây trong như ngọc nghi ngút khói, giờ hơi ngả sang nâu nhạt óng ánh hồng tươi như được phủ lớp sơn mài màu cánh kiến. Lòng, gan, sườn nhừ, thịt heo, tôm, cua, trứng cút, giá sống, tần ô cùng hơi nóng của bánh, của nước xốt xông hương, hòa trộn lại, tạo thành mùi thơm tổng hợp riêng của hủ tíu Mỹ Tho. Cái ngọt nhẹ của giá sống khiến vị đặm đà của thịt, của sườn nhừ thanh hơn. Hương ngái của tần ô làm nhẹ đi mùi tanh của của tôm cua và tăng thêm vị ngọt.


Chả nướng chợ Gạo


Như những vùng đất khác của đồng bằng sông Cửu Long, Chợ Gạo cũng có những món ăn nổi tiếng, nhưng phổ biến hơn cả là món chả nướng. Người dân vùng này thường làm món chả nướng vào dịp giỗ chạp, lễ tết.

[center]Món ngon miền Nam. Part 2: Tiền Giang [/center]

Chợ Gạo là một huyện thuộc tỉnh Tiền Giang, chả được làm bằng thịt nạc vai heo. Thịt sau khi rửa sạch luộc vừa chín tới rồi cắt lát mỏng xào với hành tím và tỏi cho dậy mùi thơm. Sau đó cho thịt heo đã xào vào một cái tô lớn rồi cho trứng vịt đánh đều vào trộn chung với hành tím, tỏi cùng với tiêu hạt, nêm hỗn hợp bằng nước mắm ngon và hạt nêm vừa ăn. Để nướng chả người ta phải dùng nồi gang – nồi giữ nhiệt lâu giúp cho ổ chả chín tận bên trong.
Sau khi đã chuẩn bị xong phần nguyên liệu và dụng cụ nướng chả, phết dầu ăn vào lòng nồi rồi dùng lá chuối lót kín đáy nồi, phết thêm dầu lên mặt lá chuối. Nhờ lớp lá chuối khi nướng chín vừa dễ lấy chả ra khỏi khuôn vừa mùi của lá chuối sẽ quyện với mùi chả làm món ăn thơm đặc biệt. Cho toàn bộ nguyên liệu vào nồi, nhịp, lắc nồi một lát cho các nguyên liệu trộn đều lại rồi cho lòng đỏ trứng vịt tráng lên mặt. Nướng chả bằng than, canh khoảng nửa giờ thấy chả khô mặt, dùng đũa xăm vào chả thấy hỗn hợp không dính vào thân đũa là chả đã chín.


Lấy chả ra khỏi khuôn cắt từng miếng vừa ăn cuộn với bánh tráng, rau thơm, xà lách chấm nước mắm pha chua ngọt. Tuy nhiên, vùng Chợ Gạo có kiểu thưởng thức món chả nướng rất khéo. Người ta dùng bánh tráng cuốn rau sống và xà lách thành cuộn dài rồi cắt khúc khoảng 5cm, sau đó xếp các miếng chả và các cuộn rau vào cùng một đĩa. Cách trình bày này tạo sự hấp dẫn, ngon mắt cho món chả và thuận tiện cho người ăn. Khi ăn chỉ cần gắp chả và rau đã được cuộn sẵn, nghe vị chả thơm đậm, thịt ngọt dai hoà trong hương rau sống the nồng – càng nhai càng thi vị./.


Đăng nhập để bình luận:


Bài liên quan